Hoa nở giữa đời thường!

04/02/2022 - 07:59

 - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân luôn san sẻ, lan tỏa tinh thần “Tương thân tương ái” đến với những trường hợp khó khăn, đặc biệt là những hoàn cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Những tấm lòng thơm thảo và những nghĩa cử cao đẹp ấy được lan tỏa trong cộng đồng như tiếp thêm động lực, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và mang lại niềm tin giúp mọi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Thanh niên Trần Thanh Quốc tham gia công tác lấy mẫu

Anh Tăng Minh Dũng (bìa trái) cùng nhóm bạn vận chuyển rau, củ tặng người dân 

“Chuyến ghe nghĩa tình”

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, anh Tăng Minh Dũng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) tạm gác lại công việc kinh doanh, bắt tay cùng với nhóm bạn quyên góp, vận động các nguồn lực để chăm lo cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đối tượng yếu thế trong xã hội. “Ngày cao điểm, nhóm chúng tôi gần 10 người bưng, vác hơn 30 tấn nông sản là bình thường. Tuy nặng nhọc, nhưng tôi nghĩ rau, củ có càng nhiều sẽ có nhiều người khó khăn được giúp đỡ. Vì vậy, tôi và các thành viên trong nhóm tự nhủ, dù vất vả thế nào không được nản chí, phải cố gắng vì nhiều bà con nghèo đang mong đợi, cực mà vui” - anh Dũng tâm sự.

Hơn 6 tháng qua, ngày nào cũng vậy, ông Dũng bắt đầu ngày mới từ lúc sáng sớm và kết thúc khi trời tối mịt. Suốt ngày trong đầu “người chỉ huy” này là việc tổ chức thu mua nông sản hay đi nhận quà từ các nhà hảo tâm, đem về điểm tập kết. Đi tặng cho ai, đi như thế nào để ai cũng có phần là điều khiến anh Dũng suy nghĩ rất kỹ.

“Chuyến ghe nghĩa tình”, với hành trình không giới hạn của Hội thiện nguyện Dũng Minh Tăng đã đi khắp chợ nổi Long Xuyên, đến các vùng nông thôn thu gom nông sản của các nhà hảo tâm, phân phát đến người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. “Mình mua lại cũng có, người dân tặng cũng có. Hễ ai cho tụi tui sẽ đưa ghe đến nhận nhanh nhất có thể. Nhận nhanh sẽ giúp bà con nhanh. Đây là tình cảm, tấm lòng của người dân đến bà con gặp khó khăn nên tôi cùng các thành viên trong nhóm quan niệm rằng, sẽ hỗ trợ tất cả, làm tốt vai trò “cầu nối” giúp bà con, cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này” - anh Dũng chia sẻ.

Nếu “Chuyến ghe nghĩa tình” để nhận tình cảm của người dân ủng hộ, hỗ trợ nông sản, nhu yếu phẩm, thì “Chuyến xe nghĩa tình” để chuyển những tình cảm của người dân và của Hội thiện nguyện Dũng Minh Tăng đến với những bà con đang ở khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà hay những người dân lao động xa xứ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Hơn 6 tháng qua, những “Chuyến ghe nghĩa tình”, “Chuyến xe nghĩa tình” của ông Dũng cùng nhóm bạn đã trao tặng gần 100.000 phần quà hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh…

Thậm chí, còn đến tận TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An, rồi hỗ trợ người dân lao động trở về quê. Ông Dũng cho biết: “Lúc đầu, tụi tui chỉ muốn giúp đỡ các hộ dân khó khăn ở địa phương nhưng càng làm càng hăng, càng nhiều người ủng hộ, tham gia nên cứ thế chúng tôi như quên đi ngày tháng để mang tặng người dân ở những nơi khó khăn đang cần. Tất cả, chỉ mong sao cuộc sống của mọi người dần ổn định, mọi khó khăn sẽ sớm qua đi”.

Các bạn tình nguyện viên luôn giữ vững tinh thần lạc quan chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Tổ quốc cần không thể ngồi yên

Vượt lên trên những nỗi lo về nguy cơ bị lây nhiễm, thanh niên Trần Thanh Quốc (sinh viên năm thứ 2, Trường Cao đẳng Nghề An Giang) dành hết thời gian tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. Quyết tâm cống hiến sức trẻ vì cộng đồng của Thanh Quốc đã viết lên nhiều câu chuyện đẹp, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực từ các hoạt động tình nguyện.

Ngay từ những ngày đầu tỉnh An Giang thiết lập chốt kiểm dịch bệnh COVID-19, Thanh Quốc là một trong những tình nguyện đầu tiên có mặt tại Chốt kiểm soát dịch Vàm Cống (TP. Long Xuyên). Quốc thường xuyên túc trực 24/24 giờ để hỗ trợ điều phối xe, ghi nhận thông tin khai báo y tế. Đến khi, các địa phương trong tỉnh xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, Quốc xung phong tham gia lấy mẫu test nhanh, hỗ trợ tiếp đón người dân lao động từ các tỉnh trở về quê.

Quốc cho biết: “Nhiều hôm, tụi em phải tiếp nhận nhiều người dân khai báo y tế hay phải đi lấy mẫu gộp xuyên đêm. Nghĩ đến sự khổ cực của các chiến sĩ công an, bộ đội và sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ tranh thủ từng giây giành lại sự sống cho các bệnh nhân, còn người dân quá khó khăn, nên đứa nào cũng ráng làm. Nhiều lúc cũng mệt mỏi, nhưng nhìn thấy nụ cười, nhận được những lời cám ơn, động viên của người dân như tiếp sức cho mình trong cuộc chiến chống dịch. Mong sao tỉnh An Giang nói riêng, đất nước Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Công việc tình nguyện tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm, bởi Quốc phải đối mặt với rất nhiều trường hợp F0, F1. Thế nhưng, nỗi lo của chàng trai dũng cảm không phải là việc bản thân bị mắc COVID-19 mà là việc mình trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, những người làm tình nguyện chung.

“Mọi người hỏi, mình có sợ không? Nếu trả lời là: Không, thì là lời nói không thật. Bởi phía sau, mình còn cả gia đình, người thân, tuổi trẻ và tương lai. Nhưng đã là thanh niên, nên mình ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn khó khăn này. Bằng cách này hay cách khác, mình muốn góp sức vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh” - Thanh Quốc chia sẻ.

Với sự nhiệt huyết và quên mình, Quốc bị nhiễm COVID-19, sau hơn 2 tuần tham gia hỗ trợ đón tiếp người dân lao động trở về quê. Khi biết mình bị nhiễm bệnh, Thanh Quốc không suy nghĩ nhiều mà chỉ đơn giản là làm sao để đánh đuổi “vị khách không mời” COVID-19. Thanh Quốc chia sẻ: “Điều em sợ nhất không phải là bị bệnh, mà sợ ảnh hưởng đến nhóm tình nguyện viên và khiến gia đình lo lắng. Khi hay tin em mắc COVID-19, các thành viên trong đội tình nguyện thường xuyên nhắn tin động viên và an ủi, đó là động lực giúp em vững tinh thần điều trị thật tốt”.

Bằng tinh thần lạc quan, sự quan tâm và sẻ chia là những điều quan trọng nhất giúp Quốc cải thiện sức khỏe và khỏi bệnh sau 11 ngày cách ly điều trị. Bây giờ, chàng thanh niên mũm mĩm lại tiếp tục xông pha ra trận “chống giặc dịch”, với công việc lấy mẫu test nhanh cho các học sinh, sinh viên trở lại trường…

Chặng đường “chống giặc dịch” thời gian qua cho thấy, càng trong khó khăn, tinh thần “Tương thân tương ái” ngày càng được khơi dậy. Sự tử tế, tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng. Người trao và người được nhận đều cùng nhau nở nụ cười hạnh phúc và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19…

KHÁNH MY

 

Liên kết hữu ích