Hết lòng vì cộng đồng
Dịp Tết Nguyên tiêu 2023 vừa qua, chùa Thanh Tuyền (ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn, cùng bà con phật tử đã tiến hành thả cá phóng sinh xuống kênh Tám Ngàn. Đây là hoạt động được chùa Thanh Tuyền duy trì nhằm cầu quốc thới dân an...
Trong không khí hân hoan đón chào Xuân mới, phật tử cùng nhà chùa đã thả gần 350kg cá các loại trở xuống dòng kênh để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhà chùa còn kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, không sử dụng xung điện, thuốc nổ, hóa chất… để khai thác tận diệt thủy sản.
Chuyến xe chở rau, củ hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh
Hành động nhân văn này mang dấu ấn của đại đức Thích Thiện Duy (Trưởng ban Từ thiện chùa Thanh Tuyền). Qua phát động của đại đức, nhiều bà con phật tử đã đóng góp gần 12 triệu đồng để mua cá thả về tự nhiên. Nguồn kinh phí tuy chưa phải quá lớn nhưng được duy trì thường xuyên, tạo thành hành động đẹp được nhiều người hưởng ứng.
“Mình phóng sinh cũng không phải vì mục đích lớn lao gì, chỉ mong gia đình và mọi người được bình yên, năm mới thịnh vượng hơn so những năm dịch bệnh vừa qua. Tấm lòng, nghĩa cử đẹp của thầy Duy đang lan tỏa trong xã hội” - anh Huỳnh Hùng (người có 3 lần tham gia thả cá phóng sinh cùng chùa Thanh Tuyền) chia sẻ.
Trong những đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, hình ảnh đại đức Thích Thiện Duy luôn sát cánh cùng những chuyến xe thiện nguyện được nhiều người quý mến. Vừa đứng ra vận động lương thực, rau, củ, quả, thầy Duy vừa tham gia chất hàng hóa lên xe, đến vùng tâm dịch, nơi phong tỏa để trao tận tay cho người dân đang gặp khó khăn, trực tiếp thăm hỏi, động viên mọi người.
Ngoài hàng trăm tấn lương thực, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm được trao tặng thường xuyên ở huyện Tri Tôn và các địa phương trong tỉnh, đại đức Thích Thiện Duy còn vận động những chuyến xe thiện nguyện chở đầy ắp rau, củ tiến thẳng về TP. Hồ Chí Minh, san sẻ với người dân nơi đây giữa mùa cao điểm chống dịch.
Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chùa Thanh Tuyền tiếp tục là địa chỉ thiện nguyện, tiếp sức lương thực, thực phẩm cho những gia đình, hoàn cảnh khó khăn. “Thấy người dân đói khổ, mình cũng buồn, giúp được bà con no ấm hơn, lòng mình vui nên cứ thế mà làm” - đại đức Thích Thiện Duy nói đơn giản.
Giữ gìn nét đẹp truyền thống
Chùa Soài So (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) hiện là ngôi chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh lá buông nhất, được ghi nhận trong sách Kỷ lục Việt Nam. Hòa thượng Chau Ty (sư cả chùa Soài So) cũng là người duy nhất ở vùng Bảy Núi thành thạo cách viết và chế tác kinh lá buông.
Vị hòa thượng được nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015 và Nghệ nhân nhân dân vào năm 2019 này, đang truyền hết tâm huyết giữ gìn và phát triển kinh lá buông cho các sư sãi Khmer trong vùng. Tấm lòng của ông được ngành văn hóa An Giang tiếp sức, hỗ trợ mở các lớp dạy viết kinh trên lá cho các vị chư tăng ngay tại chùa Soài So.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (phải) đến thăm, tặng quà cho hòa thượng Chau Ty
“Những bộ kinh này được các vị sư tổ đời trước truyền lại để răn dạy cháu con, phật tử Khmer sống cho tốt đẹp, làm điều hay lẽ phải và biết ơn các đấng sinh thành. Đây được xem là “báu vật” của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, cần được bảo tồn, phát huy” - hòa thượng Chau Ty chia sẻ.
Chùa Soài So hiện còn lưu giữ hơn chục bộ kinh Phật, được khắc họa bằng chữ Pali cổ và tiếng Khmer trên lá buông, có tuổi đời từ vài chục năm đến cả trăm năm. Trong đó, có nhiều bộ kinh do chính tay hòa thượng Chau Ty thực hiện từ những năm 1960 đến nay.
Bên cạnh nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống Khmer, hòa thượng Chau Ty cũng là người có uy tín trong vùng, thường xuyên động viên bà con phật tử chăm lo lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Mới đây, đến thăm hòa thượng Chau Ty, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã động viên các sư sãi chùa Soài So tiếp tục duy trì việc dạy khắc chữ trên lá buông để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. UBND huyện Tri Tôn đã trao tặng 30 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng chánh điện, tiếp tục duy trì hoạt động truyền thống này.
NGÔ CHUẨN