Học tập qua các hoạt động trải nghiệm

11/03/2022 - 06:26

 - Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), các hoạt động học tập qua trải nghiệm được thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo. Bên cạnh việc tổ chức các diễn đàn theo chủ đề, tình huống xử lý... thời gian qua, các tổ bộ môn còn hướng dẫn học sinh tham gia nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm thiết thực với những tư liệu từ cuộc sống. Qua đó, tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, khi kết nối được bài học và ứng dụng hiệu quả ngoài thực tế, giúp rèn luyện được nhiều kỹ năng sống cần thiết.

Hầu như ở tất cả các tổ bộ môn của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đều áp dụng phương pháp học tập qua trải nghiệm, với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nội dung bài học và học sinh của các khối lớp. Từ việc hóa thân thành các nhân vật tham gia diễn đàn, các em còn được trực tiếp tham gia những trải nghiệm mang tính ứng dụng từ thực tế cuộc sống. Điển hình như hoạt động “Xây dựng quy trình làm sữa chua" khi học bộ môn Sinh - Công nghệ; “Sáng chế máy phát điện" khi học bộ môn Vật lý - Kỹ thuật; tham gia các hoạt động công ích, đóng góp cho xã hội khi học các bài học từ môn Giáo dục công dân... 

Khi tham gia các hoạt động học tập qua trải nghiệm, học sinh được giáo viên giao cho phụ trách từ việc lên ý tưởng, kế hoạch cho đến thực hành, chia sẻ, rút kinh nghiệm... Các em chia nhóm và thảo luận, đưa ra những ý kiến đóng góp, sau khi thống nhất, được giáo viên xét duyệt sẽ tiến hành thực hiện. Khi được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, học sinh đều rất hào hứng, nhiệt tình đóng góp ý kiến, thể hiện bản thân... Nhờ vậy, thông qua các buổi hoạt động này ngoài việc giúp các em khắc sâu kiến thức, liên hệ và ứng dụng thực tiễn, còn giúp các em tự tin, hoạt bát, hiệu quả khi làm việc nhóm.

Giúp đỡ bạn bè, tham gia các hoạt động công ích tại địa phương… là những hoạt động học tập qua trải nghiệm được các học sinh thực hiện

 Cô Nguyễn Thị Kim Đào (giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh) cho biết, việc dạy học kết hợp với hoạt động trải nghiệm đã được các đồng nghiệp thực hiện thường xuyên trong thời gian qua. Cụ thể, trong môn Giáo dục công dân, một hình thức được thực hiện khá phổ biến là: Tổ chức diễn đàn, sắm vai các tình huống đạo đức, pháp luật...

Tuy nhiên, với hình thức trải nghiệm mang tính cống hiến, tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào các hoạt động tình nguyện nhân đạo, lao động công ích, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội... được bắt đầu thực hiện trong khoảng 2 năm học gần đây. Môn Giáo dục công dân với vai trò góp phần hoàn thiện nhân cách con người, nên các tiết học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn tiến hành nhiều hoạt động học tập, đặc biệt là trải nghiệm.

Theo cô Kim Đào, để thực hiện một hoạt động học tập qua trải nghiệm, các học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn qua 5 bước. Đầu tiên là định hướng để học sinh lựa chọn vấn đề cần thực hiện và phân chia nhóm; hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương cho hoạt động trải nghiệm; học sinh tiến hành thực hiện dự án với hoạt động trải nghiệm sáng tạo; báo cáo sản phẩm; đánh giá hoạt động, rút kinh nghiệm. Trong đó, học sinh là chủ thể thực hiện, giáo viên chỉ thể hiện vai trò hướng dẫn, đóng góp ý kiến.

Mới đây, cô Kim Đào cùng các học sinh lớp 10 đã thực hiện 3 nhóm dự án liên quan đến môn Giáo dục công dân. Cụ thể, nhóm 1 thực hiện các hành vi đạo đức một cách tự giác, như: Giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn khuyết tật, hoạt động thiện nguyện ở địa phương… Trong khi đó, nhóm dự án 2 tham gia thực hiện các nghĩa vụ đạo đức cơ bản, như: Giúp đỡ cha mẹ trong lao động sản xuất, hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội qua mạng xã hội Zalo, Facebook…

Còn nhóm dự án 3 thực hiện việc xây dựng, bồi dưỡng tình cảm trong sáng trong quan hệ giữa người với người, với những chủ đề: Quan hệ ứng xử với thầy cô, bạn bè, giúp bạn vượt khó trong học tập... Tất cả các nhóm dự án được thực hiện với mục đích cho các em học nội dung bài học qua hoạt động sáng tạo trải nghiệm, hình thức là tham gia cống hiến.

Trong quá trình thực hiện, các học sinh khối 10 đã thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình trong hoạt động, tích cực sáng tạo. Điển hình nhiều dự án hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực cho xã hội, như: Vệ sinh bảo vệ môi trường cộng đồng; chăm sóc và bảo vệ khu di tích ở địa phương, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới; các dự án nâng cao ý thức cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…

“Để áp dụng hoạt động trải nghiệm, giáo viên sẽ dựa vào nội dung của các chủ đề bài học, đặc biệt các nội dung có “hướng dẫn thực hành” cho học sinh. Khi thực hiện được, sẽ giúp các em liên kết được những kiến thức lý thuyết được học với thực tiễn, học đi đôi với hành” - cô Kim Đào chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích