Hội nghị MSEAP 3: Hợp tác để cùng phát triển, thịnh vượng

13/10/2018 - 14:47

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra 5 đề xuất cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện thành một diễn đàn mạnh mẽ.

Tối 12-10, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) và thăm chính Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 7-12/10.

Chủ tịch Quốc hội đến Ankara

Tại Hội nghị MSEAP3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu với 5 đề xuất cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới.

Chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ đã được các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là chuyến thăm có dấu ấn đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Những ngày đầu tháng 10, thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỹ chào đón các đại biểu tham dự Hội nghị MSEAP 3 trong thời tiết tuyệt đẹp của mùa Thu với nắng vàng trải khắp. 35 nghị viện các nước thành viên và 22 Chủ tịch Quốc hội, 12 Phó Chủ tịch Quốc hội đã về đây để tham gia Hội nghị thường niên của nghị viện do Duma Quốc gia Nga, Quốc hội Hàn Quốc và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng tổ chức. 

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã lấy ví dụ về câu nói nổi tiếng rằng: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”. Trong chuyến đi hướng tới tương lai của khu vực Á Âu rất cần sự đồng hành của tất cả các thành viên nghị viện.

Chính vì thế, với chủ đề “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở các nước khu vực Á Âu” đã thu hút các đại biểu tham luận một cách sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần cùng đồng hành. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều mang tinh thần hợp tác, thúc đẩy, đưa các nước trong khu vực phát triển bền vững, thịnh vượng. Đặc biệt, trong việc hợp tác tại lĩnh vực kinh tế, các nhà lãnh đạo của Quốc hội mong muốn, tăng cường hơn nữa hợp tác nghị viện để thúc đẩy các Chính phủ hoạt động, liên kết với nhau. 

"Các Chủ tịch Quốc hội, Trường đoàn đã có những phát biểu những vấn đề lớn về an ninh, chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề mới phát sinh trong khu vực Á Âu. Trong đó, các nước đề cập rất sâu về chủ nghĩa khủng bố, bạo lực, di cư, kể cả vấn đề nhạy cảm hiện nay như bảo hộ thương mại, sự sụp đổ của các nước lớn", ông Giàu cho biết thêm.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm đó là về môi trường, biến đổi khí hậu; việc đánh giá tổ chức hoạt động của nghị viện các nước Á Âu. Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, tổ chức này rất cần thiết cho nhu cầu tất yếu của các nước trong khu vực, nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững.

Cũng có ý kiến đề cập về lòng tin của các nghị viện trong khu vực. Điều này rất quan trọng. Bởi có lòng tin thì khi hình thành cơ chế mới, sẽ phát triển bền vững.

Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu với 5 đề xuất cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực.

"Ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; khuyến khích MSEAP mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực, như: Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Cộng đồng ASEAN. Đổi mới chương trình nghị sự của liên kết Á - Âu nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực, đặc biệt là xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn của hợp tác Á - Âu. Tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi ngườithông qua đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóanước. Tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sau 1 ngày thảo luận, hội nghị đã ra tuyên bố chung, đoàn Việt Nam cũng tham gia nhóm soạn thảo Tuyên bố chung. Những đóng góp của Việt Nam vào Tuyên bố chung được các nước thành viên ủng hộ. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam nêu ra một vấn đề lớn, đó là mọi tranh chấp đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và xử lý theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp song phương với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga

Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Hạ viện Belarus và Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan. Qua các cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ bên lề hội nghị với 4 chủ tịch Quốc hội, phía bạn rất quan tâm đến việc tăng cường phát triển mối quan hệ với Việt Nam, đề xuất nhiều vấn đề mới. Những ý tưởng này, Quốc hội Việt Nam sẽ nghiên cứu và hợp tác trong thời gian tới. Từ hợp tác này, quan hệ hai nước, đặc biệt là trong kinh tế sẽ phát triển tốt đẹp hơn. 

Chuyến thăm có dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hai nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ 

Kết thúc hoạt động đa phương tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc hội đàm kéo dài hơn thời gian dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về tình hình kinh tế mỗi nước; đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ này đã thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng hợp tác, phát triển. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ

Tại hội đàm, hai chủ tịch Quốc hội đã nhất trí cùng thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch của hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời bãi bỏ các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về hợp tác nghị viện giữa hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội cùng cho rằng, hai bên duy trì việc trao đổi đoàn để cập nhật thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện; quan tâm, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ hai nước hợp tác, giao lưu và bảo hộ công dân. Hai bên duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, như: IPU, ASEP; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giám sát thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Trong chuyến thăm chính thức này, Chủ tịch Quốc hội đã cuộc hội kiến với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống cho biết, dự kiến sẽ thăm Việt Nam trong năm nay cùng đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại; đồng thời mong muốn hai nước ký Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong chuyến thăm chính thức này, Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều đánh giá rất cao Việt Nam và coi sự lựa chọn Việt Nam trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương là rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Trong chuyến hợp tác lần này, có thể nói Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mang dấu ấn rất đặc biệt. Vì từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay là tròn 40 năm, thì chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp nhất từ trước đến nay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần điều này và phía bạn mong muốn thăm lại Việt Nam, muốn nâng quan hệ lên tầm cao mới.

Về quan hệ hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội bạn đề xuất tăng cường quan hệ hai nước, đặc biệt là đoàn cấp cao và nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước. 

Chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thành công tốt đẹp, mang dấu ấn đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo LÊ TUYẾT (VOV)