Hôm nay 7-6, tại New York, Mỹ, khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó Việt Nam là một trong số các ứng cử viên.
Với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để một lần nữa đảm đương vai trò của một nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021. Nếu giành chiến thắng thì sẽ tiếp tục đánh dấu thêm một bước tiến lớn hơn về sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh: UN)
Trở thành thành viên của Liên Hợp quốc từ năm 1977, nhưng trong bối cảnh còn bộn bề sau chiến tranh và bao vây cấm vận của Mỹ, phải đến năm 1997, Việt Nam mới lần đầu tiên có được những dấu ấn tại Liên Hợp Quốc khi trúng cử vai trò phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (khóa 52, 1997-1998), đồng thời là thành viên nhiệm kỳ 1997-1998 của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC).
Đại sứ Ngô Quang Xuân là người đã chứng kiến những thời khắc quan trọng đó nhớ lại: "Tại khóa 51, năm 1996 – 1997, chúng tôi đã thử và chúng tôi đã thua đau trong cuộc bầu cử vào ECOSOC. Chúng tôi ngồi ở dưới và nghĩ rằng mình trúng rồi vì bạn bè quốc tế hô ủng hộ nhiều lắm, đi vận động ai cũng bảo phải ủng hộ Việt Nam, nhưng khi bỏ phiếu mình thua. Tôi vẫn nhớ cái chua xót ấy. Sau sự kiện đó, chúng tôi cũng thay đổi, điều chỉnh, tiếp xúc từng nhóm nước một thì năm 1997 chúng ta thành công, vào được ECOSOC với số phiếu cao nhất ngay từ vòng đầu. Tôi vẫn nhớ như in là vào ngày 30/10/1997 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc".
Đại sứ Ngô Quang Xuân
Khi đặt những viên gạch đầu tiên cho sự đóng góp của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Ngô Quang Xuân cùng với các đồng nghiệp của mình cũng không tưởng tượng, trong vòng 20 năm sau đó Việt Nam đã tạo nên những chuỗi thành công lớn trong ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc: là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016); thành viên của ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018; Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2021 và hiện đang có cơ hội lớn để tiếp tục đảm nhiệm vai trò của Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc Việt Nam liên tục trúng cử với số phiếu cao vào các vị trí quan trọng của Liên Hợp Quốc, vừa thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam vào tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này, vừa cho thấy thế giới đang nhìn nhận khác về Việt Nam. Từ chỗ bị động nhận hỗ trợ của Liên Hợp Quốc thì nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tham gia với Liên Hợp Quốc hỗ trợ các nước nghèo, có xung đột, thông qua việc cử người vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Trung Phi và Nam Xu Đăng.
Đánh giá về các đóng góp của Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Mun khẳng định: "Tôi đánh giá cao Việt Nam đã nhận thức rõ ràng và sâu sắc về nhu cầu và có những hoạt động toàn cầu thiết thực và hiệu quả để đối phó với biến đổi khí hậu và tôi rất trông đợi Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng trong vấn đề này. Nhìn lại thì chúng ta thấy rằng Việt Nam đi đầu trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam là 1 trong 8 nước trên toàn thế giới thực hiện chương trình Một Liên Hợp Quốc đầu tiên. Điều này chứng minh các bạn đã hoạt động tốt và có hiệu quả như thế nào".
Liên Hợp Quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết, các nước đang phát triển, để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực... đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Không những thế, Việt Nam cũng đã cùng chung vai sát cánh với Liên Hợp Quốc, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực dù là nhỏ của mình vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.
Bà Pratibha Mehta, nguyên là Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Bà Pratibha Mehta, nguyên là Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Việt nam có nhiều điều có thể chia sẻ. Trước hết là chia sẻ quy trình thực hiện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chính sách trong vòng 15 năm. Tập trung vào các mục tiêu thiên niên kỷ và đó là những bài học quan trọng. Thứ hai là Việt Nam có thể chia sẻ về cách thức làm thế nào để xóa đói giảm nghèo. Tôi nghĩ các nước có thể học nhiều từ Việt Nam về chính sách, chương trình xóa đói giảm nghèo. Tương tự, Việt Nam cũng có những kinh nghiệm có thể chia sẻ và chia sẻ thành công từ các quốc gia khác".
Việc ứng cử trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 là lựa chọn của Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các cơ chế hợp tác của Liên Hợp quốc. Chính sự tham gia vào Liên Hợp Quốc đã, đang và sẽ giúp Việt Nam tiếp tục có những thành công trong hoạt động đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Mun đã từng nói: “Việt Nam đang cho cả thế giới thấy bài học của việc vượt qua mất mát trong chiến tranh để hướng tới một hiện tại và một tương lai tốt đẹp”.
Theo VOV