Hơn 3,26 triệu USD hỗ trợ nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL

15/05/2024 - 11:04

 - Sáng 15/5, Trường Đại học An Giang chủ trì tổ chức hoạt động đánh giá giữa kỳ của dự án “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL”.

Các đại biểu dự đánh giá hoạt động dự án

Bà Nguyễn Thị Thanh An, đại diện tổ chức ACIAR tại Việt Nam trao đổi về dự án

Đại diện các tổ chức của Úc trao đổi tại buổi đánh giá

Đại diện các tổ chức của Úc (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc - ACIAR, Tập đoàn Sunrice, Đại học Queensland, Khoa Công nghiệp cơ bản New South Wales - NSWDPI) và các tổ chức tại Việt Nam (Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL) đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được của dự án, đề xuất các hoạt động tiếp theo.

Các đại biểu đã phân tích chuỗi giá trị tích hợp; đánh giá, thảo luận về sản xuất thương mại giống DS1/DT8 tiếp cận các khía cạnh của thực tiễn SRP, thực hành nông học tăng năng suất giống Japonica; tối ưu quy trình thu hoạch và sau thu hoạch tối ưu; trao đổi về nhân giống cây ngắn ngày nhiệt đới, hạt ngắn cho chất lượng cao ở Việt Nam, hệ thống sản xuất và phân phối giống, thử nghiệm đa môi trường...

PGS.TS Hồ Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Điều phối quốc gia của dự án “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL”) trao đổi các nội dung của dự án

PGS.TS Hồ Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Điều phối quốc gia của dự án) cho biết, đến nay, các nội dung nghiên cứu cơ bản đã đạt được tiến độ dự kiến. Trung tâm Xuất sắc (COE) về chất lượng sau thu hoạch dự án đã được thành lập nhằm phát triển lâu dài nguồn lực quản lý chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam cho ĐBSCL.

Dự án đã có những kết quả tích cực về phát triển giống lúa hạt trung bình cho thị trường chất lượng cao; các giải pháp kỹ thuật trước và sau thu hoạch, liên kết sản xuất và phát triển bao trùm trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL cũng đã đạt kết quả tích cực, làm hình mẫu phát triển bền vững lúa gạo vùng ĐBSCL trong tương lai...

Dự án tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và bền vững cho ĐBSCL, có kết hợp với doanh nghiệp trong việc duy trì chuỗi và tạo thị trường ổn định trong thời gian dài; hướng đến đồng hành và đóng góp cho định hướng của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh ĐBSCL đang triển khai thực hiện.

Dự án “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL” là dự án hợp tác giữa các tổ chức của Úc và các tổ chức tại Việt Nam, do Trường Đại học An Giang - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì thực hiện dự án phía Việt Nam. Dự án gồm 7 mục tiêu cụ thể tại Việt Nam và 3 mục tiêu cụ thể tại Úc, với 9 hợp phần nhỏ được thực hiện từ tháng 1/2022 - 12/2025. Tổng kinh phí của dự án gần 4,39 triệu AUD, tương đương hơn 3,26 triệu USD (gần 74,73 tỷ đồng), do tổ chức ACIAR (thuộc Chính phủ Úc) và Tập đoàn Sunrice đồng tài trợ. Trong đó, vốn tài trợ cho phía Việt Nam 1.065.784 AUD, phía Úc là 2.734.216 AUD, vốn đối ứng của phía Việt Nam 586.725 AUD.

Mục tiêu chung của dự án nhằm thiết lập và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL theo hướng bền vững, sản phẩm lúa gạo được canh tác, sản xuất đạt chất lượng, năng suất cao và có thể truy xuất nguồn gốc; tạo ra nhiều lợi ích cho nông dân trồng lúa, đáp ứng được các yêu cầu thị trường trong nước, quốc tế.

Đây là cơ hội để các đơn vị thành viên dự án phía Việt Nam và các đối tác phía Úc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đối tác nông nghiệp tại ĐBSCL trong việc triển khai các hoạt động của dự án, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN