Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các ngành, các cấp phải làm tốt việc đưa đón người dân xa quê về địa phương
Các ngành chức năng TP. Long Xuyên đưa người dân về quê ở tạm tại Trường THCS Nguyễn Trãi (phường Mỹ Long)
Cán bộ Công an TP. Long Xuyên hướng dẫn người dân tập trung tại điểm Trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Mỹ Bình) chuẩn bị về TX. Tân Châu
Chuẩn bị hành trang về quê nhà
Nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ miễn phí nhiều suất cơm, nước uống cho người dân về quê
Ngành chức năng đưa đoàn về quê nhà
Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết, đến 11 giờ trưa 5-10-2021, An Giang đã tiếp nhận 35.127 người ngoài tỉnh trở về. TP. Long Xuyên đã hỗ trợ bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu đảm bảo quy mô rộng rãi, giãn cách; phối hợp các ngành tỉnh hỗ trợ người dân về y tế; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo đầy đủ, chu đáo về thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm. Đối với người lớn tuổi, trẻ em, người đau yếu còn được hỗ trợ cháo, súp, sữa…
Sau khi bố trí tạm ở TP. Long Xuyên, các huyện, thị xã trong tỉnh đã nhanh chóng tổ chức đoàn tiếp nhận công dân, đưa về các khu tiếp nhận ban đầu của địa phương để phân loại, sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Trong tổng số 35.127 người ngoài tỉnh về An Giang ( tính đến trưa 5-10-2021) , các địa phương đã cử lực lượng rước về được 33.361 người, chỉ còn 1.766 người đang chờ được tiếp tục đưa về quê. Sau khi sàng lọc, phân loại, các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, được tạo điều kiện cho cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe (khi nhà ở đáp ứng được yêu cầu). Các địa phương tiếp tục hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân yên tâm cách ly phòng dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thanh phố tự phát trở về An Giang. Đồng thời, yêu cầu các địa phương khi cách ly tại nhà, phải dán bảng cảnh báo, căng dây phía trước để người dân biết, giám sát; giao tổ dân phố, khóm, ấp theo dõi hàng ngày. Khi có vaccine ngừa thì các địa phương nên tiêm bổ sung đủ liều để bà con yên tâm, đặc biệt là ưu tiên tiêm mũi 2 cho bà con đã tiêm mũi 1. Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để bà con thiếu đói.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đều nỗ lực, cố gắng sắp xếp ổn thỏa cho bà con về quê. Các Tổ “hậu phương” tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội, chung tay chăm lo cho người dân tha hương trở về. Đồng thời, sát cánh cùng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện dẹp dọn, vệ sinh, bố trí chỗ ăn, nghỉ để đón bà con về tại các điểm cách ly. UBMTTQ và các hội, đoàn thể các cấp nỗ lực chăm lo, nấu cơm, nấu cháo, mì gói, bánh mì, cung cấp nước uống, thuốc men… để bà con yên tâm, cảm thấy ấm lòng khi được quê hương đùm bọc.
Ở những nơi điều kiện nhà ở không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí. Lực lượng vũ trang cũng sẵn sàng chia sẻ chỗ ăn, nghỉ cho người dân. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) đã di chuyển gần 300 cán bộ, chiến sĩ, nhường doanh trại cho người dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cách ly tập trung…
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang thống nhất hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 500 triệu đồng và mua 200 tấn gạo trích từ nguồn Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh để hỗ trợ công tác đón công dân về địa phương. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Đồng thời, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “tương thân tương ái” cùng chung tay hỗ trợ và chăm lo tốt cho bà con xa quê trở về địa phương ổn định tâm lý, giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường.
P.V