Hồn tre núi Cấm

27/12/2023 - 06:55

 - Từ lâu, tre núi Cấm (TX. Tịnh Biên) được người dân trồng lấy măng, mang lại thu nhập ổn định. Không dừng lại ở đó, bà con còn sử dụng thân tre già để vót đũa, tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ lữ khách khi đặt chân đến “chốn bồng lai” này.

Nghề vót đũa tre trên đỉnh Thiên Cấm Sơn tồn tại từ lâu. Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, sản phẩm tinh xảo được hình thành. Bà Út Bé (68 tuổi) tỉ mẩn vót từng chiếc đũa tre, trong tiếng khua “rót rét”. Đôi tay bà vót nhuyễn như vậy ngót nghét 15 năm. Ngần ấy thời gian, bà Út Bé chứng kiến biết bao sự đổi thay, thăng trầm của cư dân trên đỉnh núi này. “Hồi trước, trên đây còn hoang sơ lắm! Đường sá đi lại rất khó khăn. Xa xa mới có căn nhà nhỏ, nhà cửa thưa thớt. Đời sống bà con khó khăn, chủ yếu trồng rẫy, cây ăn trái, nhưng thu nhập không nhiều. Sau đó, tôi cùng bà con ở vồ Bà Cửu trồng tre, kết hợp trồng su, khoai, chuối xen canh dưới tán rừng. Rồi từ đó, cuộc sống ổn định dần” - bà Út Bé nhớ lại.

Dạo đó, họ trồng tre chủ yếu lấy măng. Vào mùa mưa, bà Út Bé phải lên rừng bẻ măng, nhổ khoai, hái su, hái rau kim thất… cho vào giỏ xách gánh xuống chân núi để bán. Quanh năm, cuộc sống cơ cực bủa vây gia đình bà. “Mỗi quang gánh hơn 50kg, tôi lội bộ men theo đường mòn, cân cho bạn hàng và bán lẻ theo phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Nhờ vậy, có đồng ra đồng vô nuôi con ăn học” - bà Út Bé bộc bạch. Khi cây tre đến thời gian thu hoạch thân già, bà nhờ chồng ra vườn đốn hạ, phân đoạn, rồi chẻ từng thẻ một. Sau đó, bà ngồi vót thành đũa. Ban đầu, bà vót đũa bị lỗi. Chiếc thì ốm teo, chiếc cong vòng. Dần dần, rút kinh nghiệm, bà vót đũa đẹp hơn, được nhiều người đến hỏi mua.

Tết này, gần chạm đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, cuộc sống của bà đỡ hơn trước rất nhiều. Nghề vót đũa được xem là niềm vui để bà vận động gân cốt, sống vui, sống khỏe trên núi theo tháng ngày. Ngoài vót đũa tre, bà còn bán khoai, chuối, kiếm thêm thu nhập. “Mới đó mà hơn 15 năm tôi ngồi đây vót đũa tre rồi! Cố gắng gìn giữ nghề truyền thống trên núi này để du khách biết đến sản phẩm thủ công của bà con. Tháng Giêng hàng năm, lượng khách du lịch tăng cao, nên những bó đũa bà bán ra cũng nhiều. Ngày thường bán được 50 đôi (100 chiếc đũa), cao điểm số lượng tăng lên 100 - 150 đôi, thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày” - bà chia sẻ thêm.

Cây tre được trồng trên núi Cấm là loại tre Mạnh tông. Khi tre đạt thời gian từ 4 - 5 năm thì được sử dụng để vót đũa. Mỗi cây tre được người thợ chọn lựa rất kỹ càng. Thân tre phải thẳng, ít cong vẹo… Sau khi đốn tre, người thợ cưa ra từng đoạn, chẻ nhỏ ra thành nhiều lóng. Lúc đầu, chưa biết kỹ thuật, thợ bị cắt trúng tay mà đũa lại cong. Phải vuốt thật tỉ mỉ thì đũa mới tròn đều. Để tre không bị mối mọt, cần ngâm với phèn chua ít nhất 1 năm, với tỷ lệ 1 thiên tre (1.000 đôi) đã chẻ ngâm 10kg phèn. Sau khi ngâm xong, bắt đầu việc làm đũa tre, mỗi đôi đũa sau khi vót phải chùi với dầu ăn, rồi đem phơi thật khô, tạo ra đôi đũa sáng bóng mà sử dụng lâu bền.

Từ xưa, cây tre gắn liền với đời sống người dân miền núi, được dùng làm đũa, đồ thủ công, mỹ nghệ… Nghề vót tre làm đũa được thực hiện với sự tận tâm, kiên trì của những người thợ làm nghề. Đũa tre không chỉ là công cụ ăn uống, mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên. Sự nhẹ nhàng, thoải mái của đũa tre thuận tiện cho bữa ăn hàng ngày, tôn lên vẻ đẹp tinh tế của ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, nghề vót đũa tre còn là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều gia đình ở miền núi. Việc duy trì và phát triển nghề này vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm của bà con lúc nông nhàn tại địa phương.

HÀ PHÚC