Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)
Đánh giá về thực hiện Quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch COVID-19, nhiều đại biểu đề xuất cần cơ chế ứng phó với vấn đề khẩn cấp, chưa có tiền lệ.
Tạo cơ sở pháp lý xử lý các tình huống cấp bách
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), Nghị quyết số 10 của Quốc hội quy định Chính phủ, Thủ tướng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định; hoặc khác với quy định trong luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
Đây là quy phạm pháp luật sát thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng phòng, chống dịch bệnh, tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế trong tình huống vô cùng cấp bách, khẩn thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh số liệu thông tin báo cáo tổng kết Nghị quyết 30.
Trong đó cần phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là trong công tác thanh, quyết toán công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổng kết thực tiễn để nâng các nội dung quy định Nghị quyết 30 lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình thực hiện xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra trong tương lai.
Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ.
Vì vậy, để có thể sản xuất vaccine thì chúng ta phải hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine có thời gian thành lập và phát triển từ 15 đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới.
Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu COVID-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần cũng như mức độ, thời gian của triệu chứng hậu COVID-19 để có kết quả công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu COVID-19, qua đó tạo cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu COVID-19.
Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Đồng thời, có sự phân cấp rõ ràng, không giới hạn người dân đến điều trị các bệnh về hậu COVID-19 theo chế độ bảo hiểm y tế; đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh và điều trị kịp thời các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính chuyển biến nhanh.
Liên quan tới công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng thông tin thêm, thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.
Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch để từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
Để nghị kéo dài thời gian phân bổ kinh phí chống dịch
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trên cơ sở tổng hợp 24/54 địa phương, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022 để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác.
Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cho biết theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/07/2021 của Quốc hội, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022.
Đến nay, ngày 7/1/2023, đã hết thời hạn Quốc hội cho phép ủy quyền UBTVQH xem xét, quyết định nội dung này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 . (Ảnh: TTXVN)
Về nội dung cụ thể, theo ông Nguyễn Phú Cường, Tờ trình của Chính phủ, 24/54 địa phương có đề xuất chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 là 5.016,674 tỷ đồng đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, việc bố trí nguồn cho công tác phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2022.
Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan./.
Theo XUÂN QUẢNG (Vietnam+)