Hợp tác quốc tế để phát triển du lịch

19/11/2018 - 06:55

 - Cả trăm cù lao nằm chạy dọc theo sông Tiền, sông Hậu là hình ảnh độc quyền ở ĐBSCL, thêm những ngọn núi mọc giữa đồng bằng sông nước thì chỉ có ở An Giang. Nếu được đầu tư đúng hướng, đây sẽ là lợi thế tuyệt vời để đưa ngành du lịch lên tầm cao mới.

Khách đông nhưng chi tiêu ít

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2018, ước tính có khoảng 8,5 triệu lượt khách đến An Giang, tăng 1,2 triệu lượt khách so năm 2017. Đây là con số rất ấn tượng, chứng tỏ An Giang vẫn là một trong những địa phương thu hút du lịch hàng đầu ở ĐBSCL. “Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng khách nhiều nhưng chi tiêu thấp, có chưa tới 10% tổng lượng khách lưu trú qua đêm”- ông Bình đánh giá.

Đây là nỗi trăn trở chung của các tỉnh ĐBSCL và Chính phủ. Do vậy, từ tháng 4-2018, Dự án “Chiến lược Phát triển thu hút du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” đã chính thức khởi động. Dự án được Thủ tướng Chính phủ quan tâm sâu sắc vì mục tiêu tìm giải pháp đột phá để phát triển ĐBSCL, hiện thực hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Quá trình nghiên cứu, khảo sát dự án có sự tư vấn của Tập đoàn Tư vấn The Boston Consulting Group (BCG), một đơn vị có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn trên khắp thế giới. Dự án còn được tài trợ kinh phí từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tiềm năng du lịch của ĐBSCL rất lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả. Đơn vị tư vấn đã chọn câu slogan “Mekong - Vùng đất của sự diệu kỳ” để làm chủ đề chính, nhằm đánh thức thế mạnh du lịch đất “Chín Rồng”.

Ông Zhao Yupu, Giám đốc Dự án của BCG cho rằng, so với các vùng đất gắn với sông ngòi nổi tiếng trên thế giới như: sông Nile, Amazon… thì dòng Mekong có sức hấp dẫn không kém. Đặc biệt, đối với ĐBSCL, những cù lao nổi trên sông, những vườn cây ăn trái, rừng ngập nước giữa đồng bằng, những ngọn núi hùng vĩ giữa đồng xanh bao la… là đặc thù chỉ có ở ĐBSCL. Trong đó, An Giang chiếm vị trí rất quan trọng về du lịch. Bên cạnh nét đặc thù của sông nước miền Tây, lợi thế Thất Sơn huyền bí, An Giang còn có thế mạnh du lịch tâm linh với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, có nền văn hóa Óc Eo - Phù Nam, có những làng nghề gắn với văn hóa dân tộc Chăm, Khmer…

“ĐBSCL có thể tập trung vào 5 chủ đề du lịch: Chủ đề thứ nhất là khai thác lợi thế vùng đất phương Nam (văn hóa, ẩm thực, đời sống người dân); chủ đề 2 là tập trung vào lợi thế vị trí của dòng Mekong, khai thác nhóm khách chi tiêu cao (cung cấp giải trí trên thuyền, kết nối các điểm du lịch đường sông); chủ đề 3 là khám phá dòng Mekong dành cho nhóm khách ưa mạo hiểm, thích tự khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống; chủ đề 4 tập trung vào phục vụ nhóm khách MICE (du lịch cả công ty theo hình thức kết hợp hội thảo, tập huấn), đây là loại khách hàng mới, tiềm năng; chủ đề 5 là tổ chức các hình thức vui chơi, thể thao, tụ tập ngoài trời dành cho người trẻ (Thái Lan, Indonesia đang làm rất thành công). Đối với An Giang, nên tập trung vào chủ đề 1 và 2 nhằm khai thác hiệu quả lợi thế hiện có” - ông Zhao Yupu gợi ý.

Tập trung cho hạ tầng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều cho biết, những kết quả nghiên cứu của Tập đoàn BCG rất sát với thực trạng và định hướng phát triển du lịch ĐBSCL. “Trong tỷ lệ ít ỏi 10% lượng khách lưu trú lại khi đến An Giang thì lưu trú cấp cao chỉ khoảng một nửa trong số này. Trong khi đó, với mấy trăm cồn nổi kéo dài hàng trăm cây số trên sông, những đặc thù văn hóa sông nước độc đáo, nếu có nhà đầu tư xứng tầm cùng công tác quản lý, quy hoạch phù hợp, ĐBSCL sẽ là điểm đến ven sông số 1 Châu Á” - ông Triều nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, một trong những điểm yếu của ĐBSCL là làm du lịch trùng lắp giữa các địa phương. Do du lịch “hao hao“ giống nhau nên sau khi đến tỉnh này không muốn đến tỉnh khác. “Mỗi tỉnh cần phải nghiên cứu điểm khác biệt trong du lịch, phải làm sao để du khách đến ĐBSCL du lịch suốt nửa tháng, mỗi ngày đi 1 tỉnh cũng không chán. Muốn vậy, cần phải có vai trò “nhạc trưởng” của Tổng cục Du lịch trong khai thác nét tương đồng (văn hóa lúa nước, tập quán Nam Bộ) và bảo hộ lợi thế khác biệt đối với du lịch của mỗi tỉnh. Đồng thời, làm cầu nối trong việc kết nối du lịch các địa phương” - ông Bình đề xuất.

Đánh giá cao nghiên cứu của Tập đoàn BCG cũng như tâm huyết của Tập đoàn Novaland đối với du lịch ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang sẽ tăng cường hợp tác với các tập đoàn nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch - một trong 2 mũi nhọn phát triển của tỉnh.

“Trong báo cáo kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, An Giang đề nghị Tập đoàn BCG đưa vào đề xuất Chính phủ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, đặc biệt là sớm khởi công cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang kết nối lên biên giới Campuchia. Đây là điều kiện rút ngắn thời gian di chuyển đến các điểm du lịch, là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp không khói ở ĐBSCL phát triển” - ông Bình nhấn mạnh.

“Ở An Giang có núi Cấm với bình nguyên bao la, nếu khai thác hợp lý còn đẹp hơn cả Bà Nà Hills (TP. Đà Nẵng). Hàng ngày, có những tàu du lịch quốc tế cao cấp đi qua TX. Tân Châu (đầu nguồn sông Tiền) nhưng không dừng lại mà qua thẳng Campuchia. Du lịch theo dòng sông là tiềm năng rất lớn chưa được khai thác tương xứng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá

NGÔ CHUẨN