Huấn luyện an toàn điện cho công nhân

21/05/2018 - 07:43

 - Nhằm đảm bảo cho công nhân làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, Công ty Điện lực An Giang (PCAG) đã mở lớp tập huấn về kiến thức an toàn điện. Thông qua lớp tập huấn, Ban Giám đốc PCAG mong muốn lực lượng thi công, sửa chữa điện trực tiếp sẽ nâng cao ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc.

Đối tượng của lớp tập huấn là những người làm các công việc về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện và hệ thống điện; người làm công việc thí nghiệm, bao gồm: treo, tháo, kiểm tra, kiểm định, hệ thống đo đếm điện năng; điều độ viên.

Với việc trực tiếp tham gia sửa chữa điện, họ cần được trang bị những kiến thức an toàn điện để tự bảo vệ bản thân. Ngoài ra, lực lượng này còn đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền cho gia đình và người dân tại nơi cư trú về việc đảm bảo an toàn khi sửa chữa, sử dụng điện.

Khi tham gia lớp tập huấn, người lao động (NLĐ) được hướng dẫn các nội dung chủ yếu, gồm: hệ thống chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh LĐ; kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh LĐ; quản lý rủi ro - nhận diện mối nguy.

Đây là những kiến thức cần thiết, giúp công nhân công ty đảm bảo được quyền lợi và an toàn của bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Các học viên được tập huấn về Luật An toàn, vệ sinh LĐ do Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Trong đó, NLĐ phải nắm vững quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh LĐ; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân liên quan và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh LĐ.

Thực hành sơ - cấp cứu người bị điện giật

Thực hành sơ - cấp cứu người bị điện giật

Đặc biệt, lớp tập huấn tập trung làm rõ những yếu tố nguy hại đối với NLĐ tại nơi làm việc. Về cơ bản, rủi ro là sự kết hợp giữa khả năng xảy ra của những mối nguy có thể gây tổn thương đến cơ thể. Do đó, NLĐ trong công ty phải biết cách nhận diện mối nguy, quản lý rủi ro nhằm tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Các học viên được tiếp thu những kiến thức liên quan đến khả năng nhận biết những vị trí, tình huống… không thực sự an toàn và đề ra biện pháp bảo vệ bản thân. Nhờ đó, họ có thể chủ động chuẩn bị những tình huống khẩn cấp nếu như các biện pháp an toàn thất bại.

Công nhân của PCAG còn được khuyến cáo phải thực hiện tốt khẩu hiệu “5S”, đó là: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Khi thực hiện tốt những yêu cầu của “5S”, NLĐ sẽ đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ và đạt năng suất cao hơn. Để quản lý tốt rủi ro tại nơi làm việc, lực lượng công nhân phải thực hiện tốt các nguyên tắc: nói không với làm tắt trong công việc - hãy tránh rủi ro tối đa - luôn đặt câu hỏi “sẽ ra sao nếu như có chuyện xảy ra?”.

Bên cạnh việc nhận biết, quản lý rủi ro, công nhân công ty được trang bị những kiến thức cơ bản trong việc sơ cứu người bị điện giật. Trong đó quy trình cấp cứu phải được đảm bảo thực hiện đúng 5 bước, gồm: loại trừ các yếu tố nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bị nạn và xung quanh.

Kiểm tra, đánh giá nhanh tình trạng sống về não, hô hấp, tim, nới rộng quần áo và nhanh chóng đưa tới vị trí thuận lợi để tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay. Ưu tiên ấn tim ngoài lồng ngực 30 lần, tần số từ 100-120 lần/phút và ấn sâu từ 5-6cm, cần thực hiện ngay, kể cả khi chưa có vị trí thuận lợi.

Kiểm soát và làm thông đường thở, để cổ nạn nhân ngửa ra sau, đầu nghiêng về 1 bên và dùng 1 hoặc 2 ngón tay để móc đờm dãi, các dị vật làm cản trở đường thở. Người cấp cứu tiến hành theo phương pháp miệng - miệng (là tốt nhất). Hô hấp nhân tạo 2 lần liên tục, mỗi lần 1-1,5 giây. Mỗi lần hô hấp nhân tạo lượng khí thổi vào miệng từ 0,8-1,2 lít.

Việc cấp cứu hồi sinh phải tranh thủ từng giây, khẩn trương tránh gián đoạn giữa các lần ấn tim hoặc hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp chưa có điều kiện thuận lợi để ấn tim thì có thể vỗ vào vùng tim của nạn nhân 3-5 cái và nhanh chóng gọi sự hỗ trợ của cơ quan y tế.

Người thực hiện cấp cứu phải kiên trì cấp cứu và không được vận chuyển khi nạn nhân chưa tự thở được hoặc chưa có ý kiến nhân viên y tế.

Đây là khóa học bổ ích, giúp cho lực lượng trực tiếp thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện và hệ thống điện… có đủ kiến thức đảm bảo an toàn cho bản thân, tăng năng suất làm việc. Đồng thời, họ cũng chủ động xử lý những tình huống khẩn đối với người bị tai nạn liên quan đến điện.

MINH QUÂN