Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững

02/11/2020 - 06:27

 - Với vai trò là cầu nối trong việc giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tế của từng địa phương. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Tất cả đều hướng đến mục tiêu vì nền sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống người nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư (giữa) tham quan mô hình trồng bưởi của huyện Phú Tân

Khẳng định vai trò nông dân

Để phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong việc phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã xây dựng, triển khai các kế hoạch và hướng dẫn các cấp hội tổ chức thực hiện trên toàn địa bàn. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Đặng Văn Tác cho biết, các cấp hội đã tập trung khuyến khích nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường trao đổi thông tin, áp dụng khoa học - kỹ thuật vao sản xuất; liên kết, hợp tác trong quá trình SXKD.

Hội Nông dân còn tập trung đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết trong sản xuất… Từ đó đã hình thành một số vùng chuyên canh hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương như: ấp Phú Hiệp (thị trấn Chợ Vàm); ấp Bình Tây 2 (xã Bình Thạnh Đông). Đến nay, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện trên 453ha, tăng 179ha so năm 2016.

Hội Nông dân huyện Phú Tân đã triển khai linh hoạt các nguồn kinh phí để hỗ trợ nông dân mở rộng SXKD. Trong đó, vốn quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đã vượt qua 2,24 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho 108 hộ nông dân. Từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ 4 dự án, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, có 50 hộ được tiếp cận vay vốn. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 4.332 hộ vay 85 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất được triển khai thường xuyên. Hàng năm, hội tổ chức 15-20 buổi tập huấn; 20-25 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung các lớp chăn nuôi, trồng và thiết kế vườn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xây dựng, duy trì hoạt động 19 hợp tác xã, 79 tổ hợp tác, 61 câu lạc bộ nông dân, 6 chi hội nghề nghiệp và 50 tổ hội nghề nghiệp.

Hội Nông dân huyện Phú Tân còn phối hợp, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mời gọi các doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ nông sản, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp… Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trong huyện đã và đang đạt được nhiều kết quả phấn khởi, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Giai đoạn 2016-2020, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo ông Đặng Văn Tác, một bộ phận nông dân còn canh tác theo phương pháp truyền thống, diện tích sản xuất còn manh mún, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu... Quy mô, chất lượng các loại hình kinh tế tập thể chưa đồng đều; việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh, thời tiết thất thường liên tục xảy ra… đã ảnh hưởng đến việc tăng quy mô cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thật sự là nhu cầu cấp thiết mà huyện Phú Tân phải tập trung thực hiện thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Tân sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã thực hiện nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung hợp với tình hình địa phương… Đối với các loại hình kinh tế hợp tác, Hội Nông dân huyện Phú Tân sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ đó, tạo điều kiện, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm để có thể tiếp cận và mở rộng thị trường.

Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp các ngành chức năng tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đồng bộ từ huyện đến cơ sở để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa. Hội còn tranh thủ các chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển SXKD, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất và thu mua, tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả. Tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ hội từ huyện đến cơ sở để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay và thời gian tới…

ĐỨC TOÀN