Hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật

16/12/2022 - 06:56

 - Đây là một trong những hoạt động giúp nhóm trẻ đặc biệt này được hòa nhập cộng đồng. Bởi, trẻ em khuyết tật khi trưởng thành thường khó tìm công việc phù hợp, chưa sẵn sàng để có cuộc sống độc lập, tự chủ...

Học sinh và phụ huynh tham quan, tìm hiểu ngành nghề đào tạo

Trẻ em khuyết tật là đối tượng cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều nhất của xã hội. Công tác hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được thực hiện, giúp các em hòa nhập cộng đồng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích cho xã hội sau này.

Để công tác này thực sự hiệu quả, Trường Cao đẳng Nghề An Giang phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Ngày hội hướng nghiệp hòa nhập, với sự tham gia của học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Tại ngày hội, các em tham gia trải nghiệm chế tạo robot đi bộ, tổ chức cuộc đua kỳ thú… Đồng thời tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, nghiên cứu ngành nghề mà Trường Cao đẳng Nghề An Giang đang đào tạo, học bổng và cơ hội việc làm… Đặc biệt, các em rất thích thú khi được tham quan xưởng thực hành nghề, để hiểu rõ hơn về ngành nghề mình mong muốn theo học.

Nguyễn Hữu Nhân (học sinh lớp 7, Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh) cho biết: “Em rất vui khi được cùng các bạn tham dự ngày hội. Nhà trường có nhiều ngành nghề phù hợp với em, nên chắc chắn không chỉ có em mà nhiều bạn sẽ chọn trường này theo đuổi ước mơ. Em mong muốn nhà trường sẽ có chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để học sinh khuyết tật được học nghề, học văn hóa”.

Định hướng trở thành một thợ may giỏi, tự lập khi trưởng thành, Trần Nguyễn Quốc Anh (ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) dành nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu chương trình đào tạo nghề may thời trang, cùng các chính sách hỗ trợ của nhà trường. “Em dự định học nghề may thời trang sau khi hết lớp 9, song song với học văn hóa để tốt nghiệp THPT. Sau khi tham quan và được thầy cô tư vấn, giải đáp thắc mắc, em rất an tâm khi học tại trường”.

Phương thức xét tuyển, tiêu chí xét tuyển, thời gian đào tạo, việc học văn hóa song song với học nghề, học phí, nơi sinh hoạt tại ký túc xá, sự thích nghi của học sinh khuyết tật khi học tập, cơ hội việc làm và chính sách hỗ trợ đối với học sinh khuyết tật khi tham gia học nghề tại nhà trường… là những trăn trở của phụ huynh có con em tham dự ngày hội. Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) giải đáp thỏa đáng, giúp phụ huynh yên tâm, có thêm niềm tin về tương lai con em mình.

Chị Phạm Thị Mỹ Dung (ngụ phường Mỹ Long. TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi rất quan tâm đến việc học, việc làm của con mình khi trưởng thành, vì sức khỏe của con tôi không tốt lắm. Tuy nhiên, sau buổi trao đổi với lãnh đạo trường, tham quan môi trường giáo dục tại trường, tôi cảm thấy yên tâm khi để con học tập tại đây. Tôi không áp đặt, mà sẽ tư vấn cho con chọn nghề phù hợp với sở trường và sức khỏe”.

Cùng quan điểm với chị Mỹ Dung, chị Huỳnh Thị Kim Phụng (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Bên cạnh dạy nghề, dạy văn hóa, tôi mong muốn trường tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, giúp các em được hòa nhập tốt với cuộc sống”.

Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Trần Chí Độ cho biết: “Qua trao đổi với phụ huynh, nhà trường nắm bắt được yêu cầu, mong muốn về ngành, nghề mà trẻ em khuyết tật dự định theo học, để có kế hoạch đào tạo hợp lý và đảm bảo chất lượng nhất. Trường dành sự quan tâm đặc biệt và có phương án, giáo án phù hợp để giúp các em học tập hiệu quả. Song hành việc dạy nghề, nhà trường còn dạy văn hóa nếu các em muốn học lên THPT; thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự lập, giúp các em tự tin hòa nhập với xã hội. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động liên kết với cơ sở sản xuất - kinh doanh dành cho đối tượng khuyết tật trong và ngoài tỉnh, giới thiệu việc làm cho các em sau khi học nghề…”.

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích