Hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”

26/09/2023 - 07:02

 - Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” do Australia khởi xướng và được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm) đã trở thành biểu tượng cho tinh thần hợp tác và nỗ lực chung vì môi trường. Chiến dịch năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu thế giới.

Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường. Điều này tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, kinh tế và đặc biệt là có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, ước tính mỗi ngày thải ra hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2023 tại Việt Nam tiếp tục tăng cường nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với các vấn đề môi trường; khuyến khích các hoạt động cộng đồng vì môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững…

Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, quyết định quy định bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

Duy trì thu gom và xử lý rác thải với khối lượng trung bình 940 tấn/ngày (đạt trên 77%) ở tất cả 156 xã, phường, thị trấn. Đã xử lý 193/246 cơ sở, khu điểm ô nhiễm (giảm được 73,1%); bảo vệ môi trường trong nông nghiệp đã được xã hội quan tâm hơn, triển khai nhiều giải pháp để nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.

Hoàn thành việc đầu tư và đưa vào vận hành các trạm quan trắc môi trường nước mặt và không khí; ban hành quy chế quản lý, vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Long XuyênTP. Châu Đốc; trình thẩm định kinh phí đối với phương án thu gom, vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm 2023 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ điều kiện thực tế, quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2023. Tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng, như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch… Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị, như: Thu gom, phân loại, xử lý các loại chất thải theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ny-lon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Kết nối nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan.

Đẩy mạnh nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tăng cường trách nhiệm của các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng tạp hóa trong hoạt động mua sắm, giao thức ăn, thực phẩm và đồ uống.

Đồng thời, tạo điều kiện giảm thiểu và hạn chế việc sử dụng túi nhựa, bao bì nhựa, các sản phẩm nhựa khó phân hủy sau một lần sử dụng (ống hút nhựa, hộp xốp, ly nhựa…). Mục tiêu là khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa được đóng gói và đựng trong các vật liệu thân thiện với môi trường, thúc đẩy việc thay thế những nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường…

HỮU HUYNH