Huyện Châu Phú sản xuất nông nghiệp thích ứng tình hình mới

07/12/2021 - 05:47

 - Theo đánh giá cấp độ dịch COVID-19, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đang ở cấp độ 1 (vùng xanh). Theo đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước thích ứng trạng thái bình thường mới. Các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn đang tích cực triển khai kế hoạch sản xuất theo mùa vụ nhằm nâng cao năng suất, góp phần khôi phục kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thu hoạch lúa thu đông

Kế hoạch xuống giống vụ thu đông năm 2021 của huyện Châu Phú là 21.140ha (trong đó, lúa 19.213ha và rau màu 1.927ha). Diện tích lúa vụ thu đông trên địa bàn huyện đang tập trung ở giai đoạn trổ và chín, đã có diện tích thu hoạch đạt năng suất cao hơn 0,24 tấn/ha so cùng kỳ. Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đang tiếp tục được triển khai thực hiện.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng, cho biết: “Để hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp UBND các xã, thị trấn thống kê từng loại cây trồng, vật nuôi và dự kiến ngày thu hoạch để kịp thời hỗ trợ khâu tiêu thụ, kết nối với các đơn vị có nhu cầu đặt hàng, thu mua các mặt hàng nông sản hiện có trên địa bàn hoặc giới thiệu cho Hợp tác xã thương mại dịch vụ An Giang và các sàn giao dịch…”.

Theo đó, trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa vụ thu đông diện tích gần 1.600ha đối với giống OM18 và OM5451 ở 7 xã, 1 thị trấn. Đồng thời, đăng ký thu mua tại thời điểm chốt giá với diện tích sản xuất 8.000ha đối với giống OM18 và OM5451 ở 9 xã, 1 thị trấn.

Thực hiện hoạt động tổ chức sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các xã, thị trấn của huyện Châu Phú tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, xử lý những khó khăn, vướng mắc của nông dân. Bên cạnh đó, có kế hoạch để người lao động trong vùng có nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể chăm sóc, thu hoạch nông sản nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với vụ đông xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đề ra kế hoạch xuống giống 34.776ha (trong đó, lúa chiếm diện tích 32.534ha, rau màu 2.242ha); ước năng suất bình quân 7,8 tấn/ha, sản lượng 253.765 tấn. Nhằm đảm bảo cơ cấu giống lúa vụ đông xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã căn cứ số liệu về tình hình giá lúa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và có chiều hướng tăng, cũng như căn cứ vào đặc tính phù hợp với thời tiết vụ đông xuân của các giống lúa để khuyến cáo nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, còn khuyến cáo nông dân sử dụng các nhóm giống lúa có triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp sản xuất tại địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, để hỗ trợ hoạt động sản xuất, ngành nông nghiệp luôn hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý dịch hại tổng hợp; áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP... Trong đó, chú trọng khuyến khích nông dân áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái như trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; khuyến cáo nông dân tăng cường bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… giúp lúa cứng cây, tăng tính chống chịu tự nhiên. Cán bộ ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và có biện pháp ứng phó kịp thời, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại bảo vệ năng suất lúa tốt hơn. Đồng thời, củng cố các tổ dịch vụ xuống giống, thu hoạch, vận chuyển… nhằm phục vụ sản xuất, thu hoạch tại chỗ.

Theo kế hoạch, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2021-2022 với diện tích 20.000ha (đạt 61,4% diện tích dự kiến sản xuất các giống OM18, OM5451), tập trung liên kết trên 3 trà lúa, gồm: Trà lúa đầu ở các vùng xả lũ, trà lúa giữa ở các vùng sản xuất 2 vụ, trà lúa cuối ở các vùng sản xuất 3 vụ còn lại. Ngoài liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, huyện Châu Phú tăng cường kết nối thông tin với doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đối với sản xuất rau màu, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân liên kết với các công ty, doanh nghiệp, thương lái, cửa hàng rau an toàn để tiêu thụ sản phẩm…

MỸ LINH