IMF: Kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng hằng năm 6,5%

17/07/2018 - 19:36

Bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố cho hay tăng trưởng của nhóm ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 5,3% do nhu cầu nội địa vẫn khá vững mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đối với Việt Nam, IMF cho rằng động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018 do được hỗ trợ bởi quá trình cải cách, sản lượng tiềm năng cao, đà phục hồi chung trên toàn cầu, và những cam kết về ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của chính phủ. 

Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,6% vào năm 2018. Lạm phát được dự báo sẽ ở khoảng dưới mức mục tiêu 4% do giá dầu cao hơn. 

IMF cho rằng nếu các cải cách được duy trì với tốc độ hiện tại, tăng trưởng hằng năm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 6,5% sau năm 2018. 

Theo IMF, các cải cách của Việt Nam cần phải được mở rộng và tăng tốc để giải quyết các rào cản còn lại nhằm thu hút thêm đầu tư và nâng cao năng suất lao động. 

Các lĩnh vực cần được ưu tiên bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao; tiếp tục cắt giảm các rào cản pháp lý và chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý, tính minh bạch và chất lượng dữ liệu để hỗ trợ đầu tư; cải cách giáo dục đại học; tiếp tục cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước. 

Trong báo cáo, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,9% trong năm nay và duy trì cho cả năm tiếp theo, cho thấy những triển vọng khác nhau giữa các nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dường như đã đạt “đỉnh” ở một số nền kinh tế lớn và tăng trưởng đã trở nên ít đồng bộ hơn. 

Dự báo tăng trưởng của Mỹ không thay đổi ở mức 2,9% cho năm 2018 và 2,7% năm 2019. Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 đối với các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản và Vương quốc Anh, phản ánh những diễn biến tiêu cực bất ngờ đối với hoạt động kinh tế tại những nền kinh tế này vào đầu năm 2018. 

Tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone dự báo tăng 2,2%, kinh tế tăng Anh 1,4% và Nhật Bản tăng 1%, thấp hơn so với các mức dự đoán tăng lần lượt 2,4%, 1,6% và 1,2% đưa ra trước đó. 

Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng tăng trưởng không đồng đều trong bối cảnh giá dầu tăng cao, những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cùng với những áp lực thị trường đối với đồng nội tệ của một số nền kinh tế có yếu tố cơ bản yếu hơn. 

Triển vọng tăng trưởng của Argentina, Brazil và Ấn Độ đều bị điều chỉnh xuống, trong khi triển vọng đối của một số nhà xuất khẩu dầu đã khởi sắc hơn. 

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của Châu Á được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng khá mạnh ở mức 6,5% trong năm 2018 và cả năm 2019. Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo sẽ giảm tốc từ mức 6,9% trong năm 2017 xuống 6,6% vào năm 2018 rồi 6,4% vào năm 2019. 

Theo IMF, sự suy giảm này do việc Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt quản lý trong lĩnh vực tài chính, trong khi nhu cầu của các thị trường nước ngoài “hạ nhiệt."

Kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ mức 6,7% trong năm 2017 lên 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong năm 2019, do lực cản từ chính sách đổi tiền và việc áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ dần suy giảm. 

Tuy nhiên, những mức dự báo trên lần lượt giảm 0,1 và 0,3 điểm phần trăm năm 2018 và 2019 so với dự báo hồi tháng Tư, phản ánh tác động tiêu cực của giá dầu tăng cao hơn đối với nhu cầu nội địa Ấn Độ, cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo do lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn.

Theo VIETNAM+