Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 55/137 nền kinh tế

13/06/2018 - 21:40

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về việc thực hiện Nghị Quyết 19 của Chính phủ trong hoạt động quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Vi Phong

Sau 4 năm thực hiện Nghị Quyết (NQ )19 của Chính phủ về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc đòi hỏi cần được giải quyết trong thời gian tới.

Trong 4 năm liên tiếp, từ 2014 – 2017, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc  gia. Một trong những nội dung trọng tâm , xuyên suốt của các NQ 19 là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm cải thiện chỉ số Thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Các NQ 19 yêu cầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế trong hoạt động quan lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương , cùng sự hợp tác chặt chẽ của các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp…việc thực hiện các NQ 19 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.  Cụ thể, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ 82 lên 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Vi Phong

Đó là những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, sau khi áp dụng triển khai thực hiện các NQ 19. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện và áp dụng các NQ 19 đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập và vướng mắc, nhiều quy định chưa triển khai và áp dụng trong hoạt động thực tế.

Có thể kể ra một số bất cập sau:

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong  quản lý kiểm tra chuyên  ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm. Còn trong các lĩnh vực khác cơ bản chưa áp dụng được. Việc áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong quản lý kiểm tra chuyên ngành , đến nay vẫn chưa làm được.

Việc áp dụng rộng rãi các thông lệ quốc tế chưa được Bộ nào triển khai, kể cả trong trường hợp đã được quy định tại điều luật. Ví dụ như việc chủ động công nhận chất lượng các các nhãn hiệu, hoàng hóa đến từ khu vực, các nước có tiêu chuẩn chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…cũng chưa được thực hiện.

Việc áp dụng, triển khai điện tử hóa các thủ tục hành chính đã được triển khai, nhưng theo hướng “nửa vời”. Tức là một mặt áp dụng điện tử hóa, một mặt vẫn phải làm thủ tục, hồ sơ giấy tờ…

Tại hội thảo này, Viện nghiên cứu  quản lý kinh tế Trung ương cũng đã đặt ra những mục tiêu quan trọng của NQ 19 trong năm 2018 như: Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều ngành; Không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch….

Theo VI PHONG (Tổ Quốc)