Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021: GDP tăng khoảng 6%

27/11/2020 - 18:39

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, trong đó nêu rõ tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ và thách thức đan xen.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

GDP tăng khoảng 6%

Nghị quyết nêu rõ năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. 

Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Một mục tiêu tổng quát nữa là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. 

Ngoài ra, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%. 

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề. 

Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh.

Chính phủ và các cơ quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng...

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu. 

Các cơ quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước; trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; chủ động, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Công nhân hoàn thiện sản phẩm may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Chính phủ và các cơ quan đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá trong thu hút nguồn lực ngoài khu vực nhà nước, triển khai có hiệu quả đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Một nhiệm vụ, giải pháp nữa là tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển của thời kỳ mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm; sớm hoàn thành các dự án điện đang chậm tiến độ; không để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Các cơ quan thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; đa dạng các hình thức kết nối cung-cầu lao động, triển khai hiệu quả Bộ luật Lao động; có cơ chế phù hợp lựa chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phân cấp quản lý và thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục; bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Quốc hội đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa; khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Các cơ quan tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội để kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Đặc biệt, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, tạo đồng thuận xã hội; tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, tạo đà thuận lợi triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo TTXVN