Kết nối đưa hàng hóa vươn xa

20/03/2023 - 07:43

 - ĐBSCL có nguồn nguyên liệu hàng hóa nông - thủy sản dồi dào, phong phú, trong khi TP. Hồ Chí Minh có nhiều hệ thống phân phối lớn, khẳng định được uy tín cả nước. Khi kết hợp, nông dân và doanh nghiệp (DN) miền Tây được hưởng lợi khi đầu ra sản phẩm đảm bảo, giá trị gia tăng cao, DN phân phối của TP. Hồ Chí Minh hưởng lợi khi có được nguồn cung chất lượng.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL

Doanh nghiệp tìm cơ hội

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre, Hội nghị kết nối giao thương giữa DN phân phối TP. Hồ Chí Minh với DN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL được tổ chức, mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Tham gia chuỗi hoạt động tại tỉnh Bến Tre, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) có được những kết quả bước đầu khi đã tiếp xúc, đàm phán, đạt một số điều kiện để đưa hàng hóa của DN vào hệ thống phân phối của DN TP. Hồ Chí Minh, gồm: Siêu thị, cửa hàng truyền thống và nền tảng thương mại điện tử. Là một trong những DN xuất khẩu rau quả đông lạnh chủ lực của ĐBSCL, việc kết nối thành công với hệ thống phân phối trong nước giúp Antesco triển khai tốt định hướng khai thác thị trường nội địa với tỷ trọng ngày càng lớn hơn.

Tương tự như Antesco, nhiều DN, hợp tác xã (HTX) của An Giang đã tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác, kết nối giao thương tại tỉnh Bến Tre trong ngày 10 và 11/3 vừa qua; một số đơn vị đạt được thỏa thuận đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của DN TP. Hồ Chí Minh.

Điển hình, như: Tập đoàn Nam Việt, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hồng Ngọc, Cơ sở sản xuất - kinh doanh Lạp xưởng bò ANAS, HTX nông nghiệp Phú Thạnh, HTX nông nghiệp Long Bình… Nhiều DN còn tìm hiểu tiêu chuẩn Halal để đưa sản phẩm tiếp cận các quốc gia Hồi giáo - một thị trường rất lớn, giá trị cao và nhiều tiềm năng.

Giới thiệu hàng hóa đặc trưng của An Giang

Tìm “tiếng nói chung”

Có thể nói, Hội nghị kết nối giao thương giữa DN phân phối TP. Hồ Chí Minh với DN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là cơ hội tốt để các DN miền Tây giới thiệu những sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); tìm “tiếng nói chung” để đưa hàng hóa vùng đất “Chín Rồng” lan tỏa khắp cả nước thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các sàn thương mại điện tử do DN TP. Hồ Chí Minh quản lý.

Tại hội nghị, nhiều DN ĐBSCL đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến khi hàng hóa của họ rất khó vào siêu thị, đôi khi bị nhân viên siêu thị “hạch sách” với đủ loại thủ tục, giấy tờ. Qua sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, lãnh đạo các DN phân phối tại TP. Hồ Chí Minh đã thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch về quy trình nhập hàng vào các DN cũng như nhu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa các DN đưa ra. Từ đó, các bên có sự chia sẻ, cùng tháo gỡ vướng mắc để tăng cường hợp tác.

Các doanh nghiệp kết nối giao thương

“Có thể nói, hội nghị thành công ngoài mong đợi, khi có hơn 500 DN, đại biểu tham gia, cao hơn nhiều so với con số đăng ký, cho thấy các DN rất tâm huyết, kể cả DN sản xuất và DN phân phối, luôn muốn đồng hành cùng nhau đưa hàng hóa ĐBSCL vươn xa.

Khi các nút thắt được tháo gỡ, việc sản xuất, lưu thông hàng hóa không còn giới hạn trong địa giới hành chính mỗi tỉnh, mà trở thành một không gian chung. Các DN sản xuất và phân phối phải không ngừng vun đắp quan hệ hợp tác, chia sẻ lợi ích với nhau, đích đến cuối cùng là đưa hàng Việt Nam chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng Việt và vươn ra thế giới” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá.

Ông Hoan đề nghị các DN phân phối cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ĐBSCL đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị khắp cả nước; trong đó, chấp nhận và tôn trọng những thương hiệu, tiêu chuẩn được địa phương cấp, chứng nhận, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Các siêu thị cần tạo không gian riêng để các sản phẩm vùng ĐBSCL được trưng bày, giới thiệu, có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Đổi lại, các DN sản xuất phải luôn quan tâm xây dựng uy tín, thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp sản xuất ở ĐBSCL

Hợp tác cùng có lợi

Tại Hội nghị kết nối giao thương giữa DN phân phối TP. Hồ Chí Minh với DN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hơn 100 DN đất “Chín Rồng” có sản phẩm được đánh giá là nhiều tiềm năng, có thể đưa vào hệ thống phân phối cả nước. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, có 64 sản phẩm đã được ký kết biên bản ghi nhớ với DN phân phối TP. Hồ Chí Minh, 1 sản phẩm ký hợp đồng trực tiếp, nhiều sản phẩm đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán song phương.

Hàng loạt tập đoàn, DN và hệ thống phân phối, bán lẻ lớn tại TP. Hồ Chí Minh đã tìm kiếm được nhiều sản phẩm OCOP, hàng hóa đặc trưng của các tỉnh miền Tây để đưa vào hệ thống phân phối, cung cấp cho khách hàng.

Trong đó, các nhà bán lẻ sở hữu chuỗi Big C, GO!, Central Retail, SATRA, Co.opmart… đã ký được nhiều hợp đồng thương mại với các DN chuyên cung ứng các loại nông, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP… Nhiều loại nông sản, đặc sản vùng ĐBSCL được kết nối cung ứng, tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…) ở TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các DN gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, hợp tác cùng phát triển.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích