Khách du lịch đi tàu hỏa khi tham gia tour Đồng Nai - Bao điều thú vị của Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Liên
Trong 7 vùng du lịch quốc gia, ĐNB là vùng kinh tế năng động nhất. Bên cạnh vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, ĐNB còn rất nhiều tiềm năng về du lịch chưa được khai thác xứng tầm. Với các lợi thế để phát triển du lịch như: biển, rừng, sông, hồ; hệ thống di sản, văn hóa, lịch sử, làng nghề… ĐNB còn là vùng đất gắn liền với những câu chuyện về thời khai hoang mở cõi phương Nam. Tất cả những lợi thế đó trở thành chất xúc tác quý giá để khai thác, xây dựng nên những sản phẩm du lịch mang bản sắc, hào khí miền Đông mà không nơi nào có được.
* Vùng đất giàu tiềm năng
ĐNB có tổng diện tích gần 24 ngàn km2, tổng dân số của vùng khoảng 18,8 triệu người (năm 2022). ĐNB là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nơi đây thu hút nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tìm đến đầu tư.
Đặc biệt, trong tương lai không xa, ĐNB được kỳ vọng sẽ “hóa rồng” khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, tàu hỏa quy mô cấp vùng được kết nối sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội cho các ngành kinh tế cùng phát triển, trong đó có du lịch-ngành công nghiệp không khói đang “ẩn mình” chờ ngày “cất cánh”.
Thứ trưởng Bộ VH-TTDL ĐOÀN VĂN VIỆT yêu cầu các địa phương triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương.
ĐNB hiện có tổng diện tích rừng gần 479,4 ngàn ha, tỷ lệ độ che phủ rừng trên 19,6%. Trong kháng chiến, những cánh rừng của miền Đông là những cứ điểm của các cơ quan đầu não cách mạng. Ngày nay, rừng ở ĐNB không chỉ là những lá phổi xanh mà còn lưu giữ di tích lịch sử cách mạng, trở thành điểm đến nổi tiếng cho các tour du lịch về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước như: Khu căn cứ cách mạng Chiến khu Đ, Di tích đặc công Rừng Sác tại Đồng Nai; Trung ương Cục miền Nam ở tỉnh Tây Ninh; Địa đạo Củ Chi, rừng ngập mặn Cần Giờ của TP.HCM. Bên cạnh đó, những địa danh như Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai); Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), Sóc Bom Bo (tỉnh Bình Phước)… còn là những điểm đến có sự phong phú về đa dạng sinh học, những giá trị văn hóa, lịch sử của người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên những độc đáo cho hoạt động du lịch sinh thái rừng thu hút nhiều nhà khoa học, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu.
Cùng với rừng, ĐNB còn có những lợi thế khác như: hệ thống sông Đồng Nai nổi tiếng với những câu chuyện lịch sử về thời mở cõi phương Nam; 2 hồ nhân tạo lớn là hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng. ĐNB cũng là vùng có nền nông nghiệp phát triển, nhiều khu vực còn giữ được những nét văn hóa vùng miền đặc trưng, những lễ hội truyền thống và những làng nghề nổi tiếng…
* Liên kết phát triển du lịch cấp vùng
Năm 2020, ĐNB tiên phong tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch cấp vùng. Sau gần 3 năm thực hiện liên kết, du lịch ĐNB đã có sự lột xác. Các địa phương trong vùng phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh từng vùng. Tận dụng lợi thế về giao thông, một số sản phẩm du lịch liên kết vùng đã hình thành và khai thác khá hiệu quả.
Một trong những sản phẩm du lịch liên kết nổi bật và được đánh giá có chất lượng nhất hiện nay là tour xe lửa Sài Gòn - Bình Dương - Đồng Nai. Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (tỉnh Đồng Nai), đơn vị khai sinh tour độc đáo này cho biết, tour xe lửa Sài Gòn - Bình Dương - Đồng Nai bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 2022. Khách du lịch tham gia tour tàu hỏa này rất thích thú vì du khách được trải nghiệm tàu hỏa, tham quan các nhà vườn với nhiều loại trái cây sạch (chôm chôm, măng cụt, mít, ổi, thanh long…), đặc biệt tour còn đưa du khách khám phá cảnh quan thiên nhiên làng quê, những công trình kiến trúc tôn giáo (chùa, nhà thờ)…
Bà Vân chia sẻ: “ĐNB có rất nhiều tiềm năng du lịch để khai thác. Trong đó, việc liên kết để cho ra những sản phẩm cấp vùng sẽ tạo điểm nhấn, tăng sự đa dạng cho thị trường du lịch. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết này theo tôi vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Tôi hy vọng thời gian tới, các nhà quản lý ngành Du lịch vùng ĐNB tăng cường kết nối, xây dựng nhiều sản phẩm để DN lữ hành có nhiều sản phẩm đưa đến khách hàng”.
ĐNB là nơi hội tụ rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn như: du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển - đảo, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch MICE… Đồng thời, ĐNB là thị trường khách du lịch tiềm năng nhất cần khai thác.
Cuối năm 2022, ĐNB tổ chức Hội nghị sơ kết Liên kết phát triển du lịch ĐNB, ghi nhận nhiều ý kiến, đánh giá về sự phát triển du lịch trong vùng thời gian qua từ các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong khu vực.
Tour đạp xe xuyên rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai do Công ty Trị An Adventure tổ chức
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, Vũng Tàu có thế mạnh về du lịch biển. Việc liên kết phát triển du lịch giữa Vũng Tàu và các địa phương trong vùng là bước đi cần thiết hiện nay. Liên kết đã mang lại những lợi ích phát triển cộng đồng du lịch cho các địa phương, tăng năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội cho các DN du lịch trong vùng; đồng thời là yếu tố hình thành nên du lịch chất lượng cao và bảo đảm sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.
Cũng tại Hội nghị sơ kết liên kết du lịch, Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Đoàn Văn Việt nhận định, du lịch vùng ĐNB đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các tour, tuyến du lịch mới được hình thành. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, ĐNB cần khai thác lợi thế là vùng phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề. Do đó, vùng ĐNB cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình để góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến có sức hút lớn đối với du khách.
Theo Báo Đồng Nai