
Ruộng trên giúp cải thiện đời sống người Khmer vùng Bảy Núi
Những ngày này, qua những cánh đồng ở vùng cao Bảy Núi, người ta sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng nông dân ra ruộng. Họ đã chủ động dọn đất đợi sẵn, mưa xuống đủ nước thì bắt đầu xuống giống. Với những ô ruộng cao, người ta cũng gieo hạt cho vụ rẫy đầu tiên. Những chồi đậu vươn mình giữa đất trời oi ả, mang theo niềm hy vọng của nông dân vùng cao cho những ngày sắp tới.
Ông Chau Hên (ngụ phường Tịnh Biên) không giấu được vất vả qua gương mặt đẫm mồ hôi. Tuy nhiên, ông khá vui vẻ bởi biết rằng sắp bước vào thời điểm đất “trả công” cho những ngày cần lao đã qua. “Ở vùng này, chỉ những khu vực có thủy lợi thì người ta mới trồng cấy quanh năm. Như đất của tôi, chủ yếu nhờ “nước trời” để trồng đậu, trồng bắp tăng thu nhập vào đầu mùa mưa, rồi mới xuống giống lúa. Cha ông mình mấy đời đều thế, tới mình vẫn gắn bó với vùng đất này. Với lại, mình không làm thì lấy đâu ra nguồn sống” - Chau Hên cho hay.
Theo ông Chau Hên, thu nhập từ chục công ruộng mùa trên dù không nhiều, nhưng cũng giúp ông có thu nhập. Bởi thế, lão nông Khmer này rất mong chờ thời điểm lúa vươn mình, mang màu xanh phủ lên những vùng cát trắng mênh mông.
Giống như Chau Hên, ông Chau Chươl (người dân xã An Cư) đã gắn bó gần hết đời người với những vụ ruộng trên vất vả, nhưng đầy hy vọng. “Canh tác ruộng trên là truyền thống lâu đời của ông bà. Nhiều đời nay, người nào có đất ở vùng cao, thiếu nước, thì phải đợi mưa xuống mới trồng lúa, trồng đậu để có cái ăn. Cũng tùy năm, khi mưa sớm, thì nông dân kiếm được 1 vụ lúa, 2 vụ rẫy. Mưa trễ, thì cũng được vụ lúa với vụ rẫy. Cha ông ngày trước ngoài ruộng mùa trên, thì không có nguồn thu khác, nên đời sống khó khăn. Bây giờ, nông dân Khmer có thể đi làm thêm việc khác kiếm thêm nguồn thu, nên đời sống đỡ hơn” - Chau Chươl nói.

Theo lời Chau Chươl, phải đợi cuối tháng 7 hàng năm, khi mùa mưa vào thời điểm “già” nhất trong năm, thì mạch đất ruộng trên mới đủ nước sản xuất. Khi đó, nông dân ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, nhất là An Cư, sẽ đồng loạt xuống giống. Các giống lúa được canh tác nhiều nhất là IR504.04 và OM5451 bởi tính chịu hạn cao, thích nghi tốt với chất đất pha cát của ruộng trên. Đặc biệt, năng suất 2 giống lúa này cũng rất cao, nên nông dân yên tâm canh tác.
“Năm nào lúa có giá, thì tôi cũng yên cái bụng. Mình cực khổ mong mưa gần nửa năm, rồi còng lưng canh tác, chỉ trông vào lợi nhuận. Dù chỉ trồng cấy mỗi năm một lần, nhưng ruộng mùa trên giúp người Khmer có đồng vô định kỳ. Với những ô ruộng thấp, gần đường nước, thì có thể trồng 2 vụ lúa mỗi năm, lợi nhuận tăng gấp đôi” - Chau Chươl thật tình.
Trong trí nhớ của lão nông Khmer, ruộng mùa trên với giống lúa Neàng Nhen thơm ngon từng là biểu tượng của phum, sóc Khmer ngày trước. Hồi ấy, người ta trồng lúa là để ăn trong gia đình, nên mỗi công đạt khoảng 200 - 300kg là rất mừng. Giờ đây, lúa Neàng Nhen hiếm khi xuất hiện ở mùa ruộng trên, nhường chỗ cho các giống lúa cao sản. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân gắn bó với giống lúa đặc trưng này, như níu giữ nét đẹp canh tác của cha ông.
Là người phụ trách công tác bảo vệ thực vật tại xã An Cư, chị Soc Van Ny cho biết: “Diện tích ruộng trên ở xã An Cư trước đây khoảng 2.000ha. Trong đó, có khoảng 1.000ha lệ thuộc hoàn toàn vào “nước trời”, nên chỉ canh tác mỗi năm 1 vụ. Còn lại, nhờ hệ thống trạm bơm 3/2, do vậy người nông dân có thể trồng lúa 2 vụ, thậm chí 3 vụ mỗi năm. Năng suất ruộng trên chỉ hơn 600kg/công, nhưng cũng giúp người Khmer cải thiện cuộc sống”.
Chị Soc Van Ny cho biết thêm, vào vụ sản xuất năm trước, giá lúa tăng cao nên nông dân Khmer ở An Cư rất phấn khởi, lợi nhuận đạt khoảng 1 triệu đồng/công. Nhiều hộ nhờ đó mà có thêm thu nhập, sắm sửa vật dụng trong nhà. Năm nay, ai cũng kỳ vọng vào vụ mùa bội thu, nên rất trông mưa để bắt đầu mùa vụ mới. “Dù chỉ canh tác mỗi năm một lần, nhưng ruộng mùa trên đã nuôi sống nhiều thế hệ người Khmer. Bản thân tôi cũng hiểu rõ điều này, nên luôn cố gắng hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận từ vụ lúa duy nhất trong năm” - chị Soc Van Ny chia sẻ.
THANH TIẾN