Kết nối khai thác thế mạnh ĐBSCL

30/11/2022 - 07:04

 - Từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), Diễn đàn Mekong Connect ra đời và trở thành diễn đàn kinh tế lớn nhất ĐBSCL được tổ chức thường niên. Với sự tham gia của TP. Hồ Chí Minh, tính liên kết vùng và liên kết với trung tâm kinh tế miền Nam càng được đẩy mạnh, góp phần đánh thức tiềm lực đất “Chín Rồng”.

Nhiều đổi mới

Ra đời năm 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), sau có thêm TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn Mekong Connect được duy trì tổ chức với sự bảo trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diễn đàn được luân phiên đăng cai giữa các tỉnh, thành phố ABCD Mekong và TP. Hồ Chí Minh, do Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với các tỉnh, thành phố trong mạng lưới tổ chức, có sự hỗ trợ của Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC).

Năm nay, Diễn đàn Mekong Connect được tổ chức tại TP. Cần Thơ với một vị thế rất mới, khi mà Đảng, nhà nước có nhiều quyết sách mạnh mẽ cho ĐBSCL. Trước hết là Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau đó, ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ra Nghị quyết 78/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc chọn chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” cho Mekong Connect 2022 là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, được nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đặc biệt quan tâm. Khi chất lượng liên kết được nâng lên, sẽ tạo động lực, đưa kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL bứt phá sau đại dịch COVID-19.

“ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy, hải sản và trái cây lớn nhất cả nước. Việc hợp tác, liên kết như chủ đề Mekong Connect 2022 đưa ra nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh, hướng đến phát triển bền vững, tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng ĐBSCL” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thông qua Diễn đàn Mekong Connect 2022, sẽ góp phần tạo động lực quan trọng để tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới. Đồng thời, tạo ra bước chuyển mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh theo tinh thần “Cả nước vì ĐBSCL - ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.

Phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, Diễn đàn Mekong Connect 2022 diễn ra khi đã có những quyết sách về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp cho ĐBSCL. Đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả.

Một thuận lợi khác là những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp diễn ra khá mạnh, thu hút sự quan tâm rất lớn của các bạn trẻ, DN, nông dân đam mê kinh doanh. Do vậy, lần đầu tiên Mekong Connect đã dành riêng 2 ngày cho “Ngày hội khởi nghiệp và Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”. Đây là sân chơi lớn, giúp các DN, bạn trẻ khởi nghiệp có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng quy mô, phát hiện các cơ hội thị trường...

Một điểm mới khác của Mekong Connect 2022 là đặc biệt quan tâm đến vấn đề “phát triển bền vững”, mà trọng tâm là chuyển đổi số. Cơ sở để phát triển bền vững là các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đang tăng cường liên kết trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch… Cùng với đó, nhiều tuyến đường cao tốc kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và liên kết nội vùng đang được đẩy mạnh triển khai. Các tuyến cao tốc này kết nối với các cửa khẩu, các cảng dọc sông Hậu, tạo mạng lưới giao thông thủy - bộ thuận lợi.

Trước thời cơ mới, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đều nhận thấy, chỉ có liên kết chặt chẽ cùng nhau mới thúc đẩy phát triển bền vững. Do vậy, tại Mekong Connect 2022, các tỉnh, thành phố ABCD Mekong và TP. Hồ Chí Minh đều chọn lựa những nội dung có khả năng liên kết rộng để trao đổi, thảo luận. Với tỉnh An Giang, đó là vấn đề “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu”, mục tiêu là khai thác thế mạnh tích hợp của kinh tế biên giới ĐBSCL, chứ không phải thương mại thông thường. Với tỉnh Đồng Tháp, đó là vấn đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, khai thác những mô hình mới có tính liên kết, liên vùng nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp.

Với tỉnh Bến Tre, đó là “Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn”, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn trong những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng ĐBSCL. Trong khi đó, TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh cùng quan tâm chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, đưa ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp cho đất nước bao năm qua.

Lần đầu tiên, tại một Diễn đàn Mekong Connect, có tỉnh chủ động đứng ra đăng cai tổ chức kỳ diễn đàn tiếp theo. Tại phiên bế mạc Mekong Connect 2022, đại diện TP. Cần Thơ đã trao quyền đăng cai Diễn đàn Mekong Connect 2023 cho tỉnh An Giang.

NGÔ CHUẨN