Khắc phục tâm lý lơ là, thỏa mãn trong xây dựng nông thôn mới

09/06/2023 - 06:42

 - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện có tâm lý lơ là, làm việc cầm chừng đối với những xã chưa đưa vào lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đến năm 2025, trong khi có tâm lý thỏa mãn, “nghỉ xả hơi” đối với những xã được công nhận xã NTM hoặc NTM nâng cao. Những biểu hiện tâm lý này cần nhanh chóng khắc phục bởi xây dựng NTM là không ngừng nghỉ, vì sự phát triển của địa phương, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới thành những “Miền quê đáng sống”

Tăng cường tuyên truyền đến nhân dân

Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh An Giang Phạm Thái Bình cho biết, xác định công tác tuyên truyền là một giải pháp quan trọng trong xây dựng NTM, các hình thức tuyên truyền được tỉnh và các địa phương triển khai đa dạng với sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể nhằm chuyển tải một cách sâu sắc, thiết thực nhất những chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đến các tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thúc đẩy phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” theo hướng “Toàn diện, nâng cao và bền vững”. Ngày 5/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 328/QĐ-UBND về truyền thông phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp tục đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung xây dựng NTM vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.

Qua tuyên truyền, góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”.

Đồng thời, phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh An Giang, để các địa phương đạt chuẩn NTM trở thành những “Miền quê đáng sống”.

Mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, qua khảo sát ở các xã, một bộ phận nhân dân vẫn chưa hiểu NTM là gì, bao gồm những nội dung gì, vai trò tham gia của người dân ra sao… “Công tác tuyên truyền cần sâu, rộng đến nhân dân, đổi mới nội dung, hình thức để người dân hiểu rằng, xây dựng NTM không phải là trách nhiệm đầu tư của nhà nước mà mỗi gia đình, người dân đều có vai trò tham gia trong đó. NTM là vì người dân nông thôn, cần công khai, minh bạch thông tin để nhân dân biết, tham gia bàn bạc, đóng góp công sức, vật chất cùng xây dựng và thụ hưởng kết quả NTM” - ông Trần Anh Thư lưu ý.

Phát huy vai trò, trách nhiệm

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, đến nay, có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (Thoại Sơn) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên). Đối với cấp xã, có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 64,54%), trong đó có 29 xã NTM nâng cao. Đối với các xã còn lại, có 5 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 20 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 14 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã. Ngoài ra, có 8 ấp tại các xã biên giới, khó khăn được chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn ấp NTM.

Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Châu Thành và Chợ Mới) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TX. Tân Châu). Qua rà soát, đến nay, huyện Châu Thành có 7/11 xã NTM (lộ trình đến cuối năm 2024 đạt 100% số xã); huyện Chợ Mới có 16/16 xã NTM (100%); TX. Tân Châu có 6/9 xã NTM (lộ trình đến cuối năm 2024, đạt 100% số xã).

Chỉ tiêu giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 16 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu; có 46 ấp thuộc các xã khó khăn, biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp NTM. Cụ thể, năm 2023, phấn đấu có thêm 5 xã NTM, gồm: Phú Lộc (TX. Tân Châu), Tân Trung (huyện Phú Tân), Vĩnh An và Bình Thạnh (huyện Châu Thành), Lạc Quới (huyện Tri Tôn).

Năm 2024, phấn đấu có thêm 5 xã: Tân Thạnh và Lê Chánh (TX. Tân Châu), Vĩnh Lợi và Tân Phú (huyện Châu Thành), Bình Phú (huyện Châu Phú) đạt chuẩn xã NTM. Năm 2025, tiếp tục có thêm 6 xã NTM: Long Hòa (huyện Phú Tân), Quốc Thái (huyện An Phú), Mỹ Phú (huyện Châu Phú), Vĩnh Trung và An Nông (TX. Tịnh Biên), Núi Tô (huyện Tri Tôn).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, không chỉ các xã nằm trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 mà các xã chưa đưa vào lộ trình, các xã đạt NTM và NTM nâng cao phải tập trung thực hiện, củng cố, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM.

Riêng đối với 23 xã không nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023 - 2025, ông Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các xã này hoàn thành các chỉ tiêu không cần vốn, tạo cơ sở phấn đấu đạt chuẩn NTM trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ủy viên cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cấp huyện, xã phụ trách từng địa phương, tiêu chí xây dựng NTM.

An Giang phấn đấu 100% số xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn NTM, thật sự xây dựng NTM thành những “Miền quê đáng sống”.

HOÀNG XUÂN