
Nông dân xã Tây Yên thu hoạch tôm trên ruộng lúa.
Mô hình “thuận thiên”
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, mô hình tôm - lúa phát triển từ năm 2000 khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang nuôi tôm. Hiện diện tích sản xuất tôm - lúa toàn tỉnh khoảng 106.303ha, sản lượng thu hoạch bình quân đạt gần 70.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã thuộc vùng U Minh Thượng như An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận... Nông dân có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình luân canh tôm - lúa, nuôi cua - tôm kết hợp trồng lúa; mô hình lúa - tôm càng xanh - tôm thẻ chân trắng... góp phần giảm rủi ro dịch bệnh, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác.
Vào thời gian này, nông dân Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ tôm - lúa An Biên đang đưa nước vào ruộng để thả nuôi tôm sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa 2025. Một số nông dân cho biết, vùng này thường xuyên bị mặn xâm nhập nên bà con đã chuyển đổi nhiều diện tích lúa 2 vụ sang sản xuất tôm - lúa. Tùy theo thời tiết, tình hình hạn, mặn từng năm, nông dân sẽ thực hiện điều chỉnh lịch thời vụ thả nuôi tôm và sản xuất lúa cho phù hợp. Nhờ phương pháp canh tác thuận thiên này, nông dân vùng hạn, mặn thu nhập ổn định hơn. Anh Nguyễn Chí Thương, ngụ xã Đông Thái chia sẻ: “Mùa mưa, tôi canh tác lúa, đến mùa hạn thì thả tôm. Ước tính, mỗi vụ canh tác lúa thu hoạch từ 4 - 5 tấn/ha, còn vụ tôm sú luân canh thu hoạch từ 250 - 300 kg/ha. Gia đình thu nhập ổn định, không lo thất thu vì hạn, mặn”.
Hơn 6 năm nay, anh Phạm Văn Vũ, ngụ xã Vĩnh Bình chuyển đổi 4ha mặt nước nuôi tôm quảng canh cải tiến sang mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh - tôm thẻ chân trắng, thu nhập từ 300 triệu đồng/năm. Theo anh Vũ, nhận thấy nuôi tôm trong thời gian dài dẫn đến tích tụ nhiều chất độc trong đất, ô nhiễm nguồn nước, tôm nuôi dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, anh quyết định chuyển hướng sản xuất. “Mùa mưa, tôi tranh thủ rửa mặn, tiến hành gieo sạ lúa. Sau một vụ tôm, chất thải trong đất trở thành nguồn chất dinh dưỡng dồi dào cho cây lúa, không cần thêm phân bón. Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa bị phân hủy sẽ tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ cách làm này, tôi vừa giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác”, anh Vũ nói.
Hướng đến phát triển bền vững
Mô hình tôm - lúa không chỉ giúp nông dân sản xuất hiệu quả mà còn đang tạo ra nông sản sạch, thân thiện với môi trường. Với hình thức canh tác thuận thiên, ít sử dụng hóa chất trong canh tác, nông dân đang tạo ra những sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu nước ngoài.
Hiện nay, một số hợp tác xã bắt đầu tiếp cận việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm tôm - lúa bằng việc kết nối với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Hòa thực hiện ký kết sản xuất lúa - tôm hữu cơ với các doanh nghiệp, giúp các thành viên có đầu ra ổn định. Ngoài ra, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu gạo ST25 Thạnh An đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An cho biết: “Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện môi trường. Nắm bắt xu thế này, hợp tác xã tiếp tục kết nối với doanh nghiệp trong việc sản xuất lúa - tôm theo quy trình sạch, hữu cơ. Tôi mong muốn hợp tác xã không chỉ là nơi tập hợp bà con sản xuất mà còn là cầu nối để đưa sản phẩm của nông dân bước ra thị trường lớn, hướng đến xuất khẩu”.
Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như người dân chưa được tập huấn kỹ thuật nuôi thường xuyên, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất không ổn định; thị trường tiêu thụ không ổn định. Người dân ít quan tâm đến chất lượng con giống nên dễ xảy ra dịch bệnh; sản xuất lúa phụ thuộc vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có giống lúa đặc thù cho từng vùng nên năng suất và chất lượng chưa cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, để mô hình tôm - lúa phát triển bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch, các địa phương thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm - lúa tập trung và tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Song song đó, đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng nhất là thủy lợi phục vụ cho sản xuất tôm - lúa; khuyến khích địa phương triển khai các mô hình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, theo VietGAP, theo hướng hữu cơ, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Bài và ảnh: THÙY TRANG