Khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII năm 2024

18/04/2024 - 09:39

 - Sáng 18/4, tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) long trọng khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII năm 2024; kỷ niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024), với chủ đề “Thoại Sơn 45 năm hình thành và phát triển”.

Các đại biểu dự Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm phát biểu khai mạc lễ hội

Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Như Anh tặng quà lưu niệm 2 địa phương kết nghĩa: Quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) và huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long)

2 địa phương kết nghĩa tặng quà lưu niệm cho huyện Thoại Sơn

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi khai mạc lễ hội

Đại biểu dâng hương tưởng niệm danh thần Thoại Ngọc Hầu, tại đình thần Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cùng lãnh đạo quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) - 2 địa phương kết nghĩa với huyện Thoại Sơn và đông đảo người dân địa phương đã đến dự. 

Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm cho biết, cách đây hơn 206 năm, Thoại Sơn là nơi hoang sơ, rừng thiêng nước độc, núi non bao phủ, con người bị cô lập với mọi thứ xung quanh. Với tầm nhìn của một bậc tiên tri, sự phán đoán của một nhà danh điền lỗi lạc, Nguyễn Văn Thoại đã dốc binh cho đào ngay con kênh Thoại Hà rộng 50m, dài hơn 30km, khởi đào từ năm 1818 và hoàn thành sau đó chỉ 1 tháng, với hơn 1.500 dân binh.

Kế thừa những di sản vô giá của tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang mở cõi và bảo vệ quê hương, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn luôn thể hiện khí chất kiên trung, đoàn kết một lòng, không ngại hy sinh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của cả nước được phong tặng 3 danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 2000), Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009) và huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018). 

Trên tinh thần đó, quê hương Thoại Sơn đang tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã ký đề nghị công nhận “Huyện nông thôn mới nâng cao” năm 2023 gửi Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 ngày tái lập huyện (23/8/1979- 23/8/2024). Đồng thời, tiếp tục phấn đấu xây dựng thị trấn Phú Hòa đạt chuẩn đô thị loại IV trong năm 2024 và phấn đấu từng bước xây dựng Thoại Sơn trở thành thị xã đến năm 2030.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII năm 2024 diễn ra từ ngày 17 - 20/4 (nhằm ngày mùng 9 - 12/3 âm lịch) cùng với Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu, đúng dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch).

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động, như: Triển lãm “Cuộc đời – thân thế của Danh thần Thoại Ngọc Hầu và thành tựu của huyện Thoại Sơn trên các lĩnh vực”; diễu hành xe đạp; khai mạc Hội thi sinh vật cảnh và trưng bày đồ cổ Nam Bộ; thả hoa đăng; biểu diễn cờ người...

PHƯƠNG LAN