.jpg)
Ngành nông nghiệp An Giang phát huy vai trò lực lượng khuyến nông trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Theo Phó Giám đốc Sở NN&MT Tôn Thất Thịnh, những năm qua, nền nông nghiệp An Giang có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao, số hóa sản xuất, áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh, nhằm giữ vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
“Trong quá trình đó, khuyến nông cộng đồng đóng vai trò then chốt, là cầu nối giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT). Đặc biệt, đây là lực lượng nòng cốt giúp nông dân định hướng sản xuất, thích ứng với thị trường và chủ động ứng phó với rủi ro. Thực tế chứng minh, những địa phương có hệ thống khuyến nông mạnh, hoạt động hiệu quả thì nông dân tiếp cận công nghệ nhanh hơn, năng suất và thu nhập cũng cao hơn” - Phó Giám đốc Sở NN&MT Tôn Thất Thịnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong thời điểm An Giang đang đẩy mạnh thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, các tổ khuyến nông cộng đồng đóng vai trò trung tâm, với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên, toàn tỉnh hiện có 129 tổ khuyến nông cộng đồng, với 1.601 thành viên, số lượng tối thiểu 5 người/tổ. Những tổ khuyến nông cộng đồng có kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn thành lập và nâng cao năng lực, tư vấn kỹ thuật cho hợp tác xã (HTX) và nông dân; cập nhật tiến bộ KHKT, nắm rõ các tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu thị trường và chính sách liên kết tiêu thụ nông sản để khuyến cáo cho nông dân...
Cùng với đó, Tổ Khuyến nông cộng đồng cũng tích cực tham gia tuyên truyền để nông dân tham gia vào tổ hợp tác (THT), HTX; tổ chức các hoạt động chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết nối giữa nông dân, THT, HTX với các doanh nghiệp (DN) để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Là khuyến nông viên xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), anh Võ Văn Nguyên xác định trách nhiệm bản thân phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, anh Nguyên luôn theo sát, vận động nông dân tích cực tham gia và đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của quy trình kỹ thuật.
“Được bà con tin tưởng và làm theo, tôi rất phấn khởi và cố gắng thực hiện tốt nhất vai trò của mình. Đề án 1 triệu héc-ta lúa là đề án lớn của ngành, có ý nghĩa tích cực không chỉ đối với nông dân hiện tại nhờ giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn giúp thế hệ tương lai được kế thừa nền sản xuất hiện đại, bền vững. Do đó, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong các chương trình, dự án lớn của ngành nông nghiệp” - anh Nguyên chia sẻ.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác khuyến nông tại An Giang vẫn còn một số hạn chế, như: Thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, DN và nông dân khiến việc chuyển giao công nghệ chưa thực sự hiệu quả. Khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của nền tảng số để phổ biến kiến thức…
Nhằm nâng cao vai trò của lực lượng khuyến nông, PGS.TS Nguyễn Duy Cần (nguyên Trưởng khoa Phát triển Nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ) đã đề xuất một số giải pháp trong Hội thảo “Vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong chuyển giao khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”, do Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức. Trong đó, nhấn mạnh việc cần phát huy mạnh mẽ hơn hình thức xã hội hóa công tác khuyến nông, trên cơ sở phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân, nhằm tạo sự linh hoạt, khuyến khích các dịch vụ theo nhu cầu thị trường, giảm bớt một phần gánh nặng tài chính cho khu vực công.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Duy Cần cũng đề xuất cần thực hiện công tác khuyến nông theo định hướng thị trường, bằng cách tổ chức nông dân vào các nhóm, như: Câu lạc bộ khuyến nông, THT và HTX, lấy nông dân làm trung tâm và định hướng khuyến nông theo nhu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng phương tiện điện tử, công nghệ số vào hoạt động khuyến nông để phổ biến các sáng kiến công nghệ mới và cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác cho nông dân, giúp bà con nắm bắt, ứng dụng vào sản xuất để đạt hiệu quả cao…
MINH QUÂN