Khát vọng độc lập, tự do, cội nguồn chiến thắng

07/04/2025 - 08:38

Ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam khi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Từ đây non sông Việt Nam liền một dải sau 30 năm đất nước bị chia cắt.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN]

1. Dường như lịch sử đã chọn thời khắc 17 giờ 50 phút ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định “đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh” - chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu.

Bác Hồ là hiện thân của khát vọng độc lập, tự do muôn đời của dân tộc Việt Nam. Thời khắc ngày 30/4/1975 ấy, từng quân đoàn chủ lực, từng người lính giải phóng thần tốc, táo bạo, xốc tới giải phóng miền nam đều mang trong mình mệnh lệnh của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ý chí ấy đã nhân lên sức mạnh của cả dân tộc vào trận đánh cuối cùng để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Xông trận lần này, những quân đoàn chủ lực thần tốc trong tiếng bánh xích xe tăng, những trung đoàn đặc công âm thầm tiến quân, những binh đoàn quần chúng yêu nước nườm nượp xuống đường, dường như trong nhịp đập mạnh của trái tim mình vọng lên tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt ngày quyết chiến với giặc Tống (1077): “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Và họ còn mang trong trái tim mình “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”. Ý chí giải phóng dân tộc, ý chí độc lập, tự do cho đất nước từ truyền thống cha ông trong thời khắc lịch sử ngày 30/4 đã truyền qua trái tim chiến sĩ thành sức mạnh chiến thắng trên đường giải phóng.

Khát vọng, ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam luôn được chảy trong huyết quản của mỗi người dân, được nuôi dưỡng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác suốt nghìn năm lịch sử. Ý chí sắt đá ấy, truyền thống tốt đẹp ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi đắp, phát triển và lan tỏa, đúc kết thành một chân lý có sức lôi cuốn đặc biệt “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ trong đêm trường nô lệ, khát vọng ấy đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt biển đi khắp năm châu tìm con đường cứu nước. Trở về đất nước lãnh đạo cách mạng sau 30 năm, vào một đêm về sáng tháng 7/1945, tại lán Nà Nưa (Tuyên Quang), Bác Hồ trong lúc ốm nặng đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp một câu nói mang sức nặng ngàn cân, một mệnh lệnh như dao chém đá: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Chính khát vọng thiêng liêng đó như một lời hịch xung trận, kêu gọi nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất đánh đuổi thực dân Pháp và phát-xít Nhật, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự là một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

Và từ ngày 2/9/1945, một quốc gia mới có chủ quyền đã ra đời. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh cùng với tiêu ngữ bất di bất dịch “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”!

Khát vọng, ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam luôn được chảy trong huyết quản của mỗi người dân, được nuôi dưỡng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác suốt nghìn năm lịch sử. Ý chí sắt đá ấy, truyền thống tốt đẹp ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi đắp, phát triển và lan tỏa, đúc kết thành một chân lý có sức lôi cuốn đặc biệt “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh hôm nay, trong mỗi tiếng súng tấn công, trong dáng người lính ngã xuống trước ngày toàn thắng, có ý chí dời non lấp biển của dân tộc ta hiện thân trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hẳn là lúc này đây, bao bà mẹ trong đội quân tóc dài, bao người lính du kích, bao người dân yêu nước nổi dậy xuống đường phối hợp cùng bộ đội tấn công vẫn mang theo lời kêu gọi tha thiết của Bác năm 1946. “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

2. Ý chí độc lập, tự do của dân tộc, của Bác Hồ không chỉ hiện thân dẫn dắt thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ý chí ấy đã từng cháy bỏng trở thành sức mạnh kỳ diệu chiến thắng trong suốt 30 năm cả nước hành quân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ý chí ấy từng nhân lên sức mạnh vô địch của toàn dân đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược trong chín năm kháng chiến trường kỳ, lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Suốt 21 năm ròng sau đó, ý chí giành độc lập, tự do, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước luôn thôi thúc mọi hành động của mỗi người Việt Nam yêu nước. Ý chí độc lập, tự do trở thành chân lý sáng ngời chính nghĩa và mạnh mẽ như một vũ khí tối tân nhất của thời đại qua lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước ngày 17/7/1966 của Bác: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Lời kêu gọi ấy đăng Báo Nhân Dân và phát đi trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam như một lời hiệu triệu, là biểu hiện sinh động về tinh thần bất khuất của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, song không chịu quỳ gối, cúi đầu khi nước mất, nhà tan, quyền tự quyết dân tộc bị xâm phạm, độc lập, tự do của Tổ quốc, của nhân dân bị thách thức bằng bom đạn cường quyền.

Không có gì quý hơn độc lập, tự do, ý chí ấy, quyết tâm sắt đá ấy trở thành sức mạnh to lớn đánh bại đội quân hiếu chiến của Mỹ và chư hầu, đánh bại không lực Mỹ định đưa máy bay B52 rải thảm với tuyên bố đầy hiếu chiến “đưa miền bắc về thời kỳ đồ đá”.

Trong tiếng đàn của em bé Hà Nội mất mẹ ngân nhẹ lên trong đêm tên lửa của ta phóng lên đỏ rực trời tiêu diệt B52 bảo vệ Hà Nội có ý chí của độc lập, tự do cháy bỏng. Trong vành khăn tang của cô gái dân quân nén nỗi đau người yêu hy sinh ở chiến trường để giương nòng súng nhằm thẳng quân thù mà bắn, viên đạn bay ra khỏi nòng pháo vẽ lên đường bay của độc lập, tự do…

Chiến dịch giải phóng, thống nhất đất nước mang tên Hồ Chí Minh là chiến dịch nhân lên sức mạnh bội phần của ý chí giành độc lập, tự do, chủ nghĩa nhân đạo cao cả của cả dân tộc mà Bác Hồ là hiện thân của chân lý ấy.

Trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, ý chí độc lập, tự do của dân tộc, chân lý ‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chân lý “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam…”, bắc nam không thể sức mạnh nào chia cắt, của Bác Hồ đã có sức cảm hóa những người của phía bên kia hạ vũ khí, góp cho thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn, góp cho chiến thắng chung của dân tộc thêm trọn vẹn.

Chẳng thế mà ngay trong thời khắc ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố đây là chiến thắng chung của dân tộc Việt Nam!

Vâng, đó cũng là chiến thắng chung của khát vọng, của ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam! Từ chiến thắng này, nước Việt Nam thống nhất bước vào kỷ nguyên mới hòa bình, xây dựng nước nhà độc lập-tự do-hạnh phúc.

Theo Báo Nhân Dân