Vậy, nếu con cái vướng vào cú sốc ái tình thì cha mẹ cần làm gì?
Bỗng dưng… sinh chuyện
Khi con trai nằng nặc đòi chuyển trường lúc giữa học kỳ I lớp 12, chị Hồng Yến (Bảo tàng Hà Nội) phát điên cả đầu lên. Sau đó, chị Yến cố gắng bình tĩnh để ngồi tỉ tê tâm sự với con. Chị biết con trai mình hẳn có chuyện gì đó bất ổn về tâm lý...
Tế nhị, khéo léo tìm hiểu từ mấy đứa bạn của con chị mới biết nguyên nhân là do nó thất tình! Nghĩa đã phải lòng cô bạn gái trong lớp, chúng đã có đôi lần đi xem phim, hẹn hò riêng với nhau. Nhưng chết nỗi mới được mấy tháng thì cô bạn kia lại chuyển sang nhận lời yêu một cậu bạn khác trong lớp…
Ghen tức, tìm cách lôi kéo bạn gái không được, Nghĩa đã hẹn đối thủ “đi nói chuyện đàn ông” và kết quả chẳng ngọt ngào gì. Đòi chuyển trường mà mẹ cứ bắt phải học cho xong học kỳ, Nghĩa suốt ngày giam mình trong phòng.
Cũng đồng cảnh ngộ với chị Yến là chị Thanh Loan (Đường Láng - Hà Nội). Vợ chồng chị có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, công việc cuối năm đang bận rộn bao đầu mối công trình mà chị phải bỏ đó nhờ nhân viên trông coi để mắt trước mắt sau ngó nghiêng, kiểm soát trông chừng con.
Cô con gái nhà chị đang học lớp 11 nhưng đã tấp tểnh chuyện đón đưa. Chị phát hiện ra con có bạn trai là sinh viên Trường ĐH Văn hóa khi một lần tình cờ bắt gặp con gái đang ôm eo ếch bạn trai rất tình tứ trên đường. Chị hết gặng hỏi, rồi lén kiểm tra điện thoại, tin nhắn của con thì phát hiện ra mối tình của con gái đang độ cao trào.
Nói nhẹ nhàng mà con không chia tay cậu bạn kia, nó đi đâu chị đi theo dõi ở đấy, chị còn tìm cách gặp thẳng bạn trai của con, vừa dọa vừa ngăn cấm, rằng con gái chị đang tuổi vị thành niên, người yêu nó mà lớ xớ động vào là chị sẵn sàng cho “đi tù”…
Cách xử lý cứng rắn mà chị Loan tưởng là khôn ngoan, triệt để nhưng lại khiến cho chuyện tình cảm của con gái trở nên rắc rối. Càng bị cấm con gái chị càng như thiêu thân...
Thay vì cấm cản…
Theo các chuyên gia tâm lý và giáo dục, các em ở độ tuổi THPT đang chuyển giai đoạn từ thiếu niên sang lứa tuổi thanh niên đứng trước ngưỡng cuộc đời nên tâm sinh lý có những bước phát triển mạnh mẽ.
Lời khuyên của các chuyên gia giàu kinh nghiệm là các phụ huynh hãy đối mặt và xử lý vấn đề yêu và thất tình của con cái bằng thái độ hết sức bình tĩnh và ôn hòa.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn thì nếu phát hiện ra con có người yêu, các bậc phụ huynh hãy tỏ ý trân trọng người mà con có tình cảm đặc biệt.
Thái độ này sẽ khiến con cái tin tưởng bố mẹ hơn và buộc những người đang yêu phải nghiêm túc hơn trước tình cảm và cảm xúc và hành động của mình. Phụ huynh hãy gơi ý để con mời bạn đến chơi nhà.
Đây là cách “dính líu” vào chuyện yêu đương của con cái khéo léo và tế nhị nhất. Khi được cởi mở về mối quan hệ của mình, đứa con sẽ dễ dàng chia sẻ vấn đề khúc mắc và biết lắng nghe lời khuyên hữu ích vào lúc mối quan hệ của chúng gặp khó khăn.
Trong trường hợp con thất tình, cha mẹ hãy bày tỏ sự thông cảm và thừa nhận nỗi đau của con. Cố gắng hiểu và không nên bài xích, đả kích mối cảm tình mà con đã có.
Chọn thời điểm phù hợp gợi chuyện đồng cảm để con mở lòng, chia sẻ nỗi buồn. Một số phụ huynh đã sai lầm khi nôn nóng sốt ruột đòi hỏi con phải nhanh chóng trở lại sự cân bằng, chú tâm lo chuyện học hành. Đó là điều rất khó vì ngay cả khi người lớn còn không làm được.
Theo KIM PHƯỢNG (Giáo dục thời đại)