Khiếu nại cháu ruột chiếm đất rồi sang nhượng

15/07/2020 - 06:55

 - Ông Lê Văn Tốt (sinh năm 1944, ngụ tổ 17, ấp Cầu Dây, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) làm đơn khiếu nại các cháu ruột tự lấn chiếm đất rồi sang nhượng cho người khác, “phù phép” làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên phần đất của ông.

Ông Lê Văn Tốt chỉ số đất người cháu vừa sang nhượng

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Lê Văn Tốt cho biết, nguồn gốc đất là của cha mẹ ông để lại. Ngày 26-2-1972, ông được chính quyền lúc đó cấp Chứng thư quyền sở hữu diện tích 1,8ha. Đất này gồm có đất ruộng, đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm. Sau đó, vợ chồng người anh (ông Lê Văn Giữ, bà Nguyễn Thị Đang) đến xin cất nhà để ở. Ông đồng ý cho xây dựng trên phần đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm ở liền kề căn nhà gia đình ông sử dụng.

Đến năm 2013, ông được nhà nước cấp GCNQSDĐ, diện tích 8.100m2. Đối với phần đất thổ cư (ngang 17m, dài khoảng 25m) địa phương nói chờ xác minh, làm rõ mới cấp sau, do đất này đã bị các con ông Giữ, bà Đang (ông Lê Văn Hồng, Lê Tấn Giáp, bà Lê Thị Lan, Lê Thị Ngọc...) sử dụng, có người cất nhà ở ổn định, đã được cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, ông Tốt làm đơn khiếu nại nhiều lần, đến nhiều nơi nhưng vụ việc chưa ngã ngũ.

“Là chỗ máu mủ, tôi luôn nói với các cháu: khi cất đủ nhà ở, phần đất còn lại phải trả lại cho chú út. Bởi, số đất này tôi tốn kém nhiều chi phí để bồi đắp vì trước đây là cái hầm. Đến tháng 5-2014, cháu Lê Văn Hồng làm thỏa thuận bán đất (ngang 12m, chiều dài giáp nhà tôi), giá 60 triệu đồng.

Việc này có chị Đang và em gái của Hồng chứng kiến, được Phó trưởng ban Nhân dân ấp Cầu Dây Trương Văn Kính xác nhận. Sau đó, tôi bị bệnh cườm, mắt mờ nhiều. Lúc này, các cháu đến nhà tôi nhờ ký tên, không nói mục đích nhưng chỉ chỗ ký, kêu tôi điềm chỉ vào. Tôi hỏi ký để làm gì, cháu nói “chỉ xác thực thôi mà, có gì đâu chú ơi”.

Khi địa phương mời hòa giải, tôi mới biết đất thổ cư nhiều năm tôi khiếu nại, đã chuyển QSDĐ cho vợ chồng ông Trịnh Văn Đạt, bà Thái Thị Bì (ngụ cùng ấp) với diện tích 445m2 đất. Tôi yêu cầu người bán đất phải trả lại đất, còn số đất từ lâu người cháu cất nhà, cứ sử dụng bình thường. Đối với số đất bán cho ông Đạt và bà Bì, tôi đã định vị, rào chắn, cương quyết không cho ai vào đây sử dụng” - ông Lê Văn Tốt cho biết.

Hỏi về việc này, ông Lê Tấn Giáp cho biết: “Phần đất ông Lê Văn Tốt khiếu nại đòi lại là của cha mẹ tôi sử dụng rất nhiều năm, đã để lại cho anh, chị em tôi sử dụng lâu nay. Vừa qua, đất này do anh tôi (ông Lê Văn Hồng) sang nhượng cho vợ chồng ông Trịnh Văn Đạt, bà Thái Thị Bì, trong đó có chữ ký của chú Tốt. Vụ việc này xảy ra đã lâu, đã được xem xét giải quyết, anh em tôi không có liên quan và anh Hồng đã nhiều lần không tham gia. Muốn tìm hiểu về sự việc này nên gặp gia đình người mua đất, hoặc liên hệ với địa phương sẽ rõ”.

Thông tin về việc này, đại diện UBND xã Thạnh Mỹ Tây cho biết, việc khiếu nại đòi đất của ông Lê Văn Tốt xảy ra đã khá lâu, ngay từ lúc bà Đang còn sống. Địa phương đã nhiều lần mời các bên đến làm rõ, cùng ngành liên quan thực địa, xem xét, giải quyết nhưng không hiệu quả. Qua nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng 2 bên không thống nhất, địa phương đã thông báo về hòa giải không thành, hướng dẫn đương sự khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Châu Phú để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, vụ tranh chấp đất nói trên có liên quan đến 3 bên, gồm: người sang nhượng, người được sang nhượng và ông Lê Văn Tốt (nguyên đơn). Ông Tốt cho rằng, phần đất là của cha mẹ để lại, đã cho một phần nhỏ để gia đình người anh cất nhà ở, sau đó có mua (ngang 12m, chiều dài giáp nhà mình) ngay phần đất mình cho mượn. Việc này phải có chứng cứ để chứng minh. Bởi, phần đất ông Tốt khiếu nại đòi lại, nhà nước đã cấp GCNQSDĐ cho người được sang nhượng. Đối với đất tranh chấp có GCNNQSDĐ, ông có thể khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Châu Phú xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: N.R