Khởi động chương trình 1 triệu ha lúa: Chất lượng cao, phát thải thấp gắn với Tăng trưởng xanh ở ĐBSCL

13/03/2024 - 09:05

 - Trước hết hiểu về cụm từ “chất lượng cao” là nói về chất lượng hạt gạo ngon, thơm, sạch phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Chất lượng cũng nói đến tính an toàn về thực phẩm, bao gồm “dư lượng thuốc trừ sâu, bệnh và chất bảo quản”, phải đáp ứng với qui định của nhà nhập khẩu và đòi hỏi của khách hàng. Chất lượng, nói rộng ra cũng chỉ môi trường trồng lúa không bị ô nhiễm để cho cuộc sống của cư dân được trong lành.

Thuật ngữ” phát thải thấp” cũng có nội hàm là: Phát thải các loại khí là quá trình diễn ra vừa tự nhiên, vừa do con người gây ra. Phần do con người gây ra cần được hạn chế tối đa, phần này thuộc ý thức và kỹ thuật của người sản xuất do vận hành không đúng mà có. Và, giới hạn của đề án kéo dài đến năm 2030, có nghĩa là người sản xuất sẽ thực hiện dần theo thời gian để sau 6 năm sẽ đạt mục tiêu về số lượng và chất lượng của đề án.

Theo tài liệu của D.Dawe (IRRI,2000) do Trần Văn Đạt trích dẫn trong “Cây lúa Việt Nam thế kỷ XX”, thì vào 1998, bình quân diện tích ruộng đất của nông hộ ở ĐBSCL là 0,97ha, thấp hơn rất nhiều so Ấn độ, Thái lan, Philippine và cả Trung Quốc. Nhưng do quá trình canh tác chuyển hóa dần, nên diện tích trồng lúa của các hộ ở ĐBSCL vào năm 2021 có sự thay đổi.

Trong tổng số 567 mẫu điều tra thì có 37% số hộ canh tác bình quân dưới 1 ha, 54,3% số hộ canh tác từ 1-5ha. Số nông hộ có trên 5-10 ha chiếm 7,3% và có khoảng 1,3% số hộ có diện tích  trên 10ha (Công ty Phân bón Bình điền, 2021). Dẫu rằng diện tích canh tác lúa có sự thay đổi, ánh sáng khoa học kỹ thuật về nghề trồng lúa cũng ngày càng được nông dân áp dụng.

Nhưng cho đến trước năm 2000, bức tranh chung về gói kỹ thuật trồng lúa là sạ dày (200-300kg/ha), bón phân hóa học không hợp lý, sử dụng nông dược quá liều quy định, rơm rạ sau thu hoạch chỉ sử dụng một phần rất nhỏ để làm nấm rơm, phần lớn còn lại là đốt tại đồng để kịp làm vụ kế tiếp, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường trồng lúa.

Các hoạt động từ làm đất như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển chủ yếu là thủ công. Vì vậy, phần lớn nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng, giá cả thất thường và phụ thuộc vào thị trường, nhiều nông dân bị ép giá nên lợi nhuận mang lại cho người trồng lúa bị hạn chế.

Vậy, những tiền đề nào đã hiện hữu để giúp cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thành công như mong đợi?

Chương trình Phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) được khởi động từ 1992. Nhận thấy trong việc thực hiện phòng trừ dịch hại do nông dân áp dụng có nhiều bất lợi về cả mặt kinh tế và môi trường, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chương trình rộng khắp trên cả nước.

Nội dung chủ yếu của chương trình là tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, chủ yếu là các biện pháp canh tác thay cho việc chỉ sử dụng các loại nông dược vừa giảm độc hại cho người, gia súc  gia cầm và môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Hiện nay,  IPM là biện pháp đã được nông dân sử dụng rộng rãi trong sản xuất cho tất cả các loại cây trồng và cả vật nuôi, nên môi trường đã dần dần trở nên an toàn, sản phẩm nông ngư nghiệp sản xuất ra phần lớn được thị trường thế giới chấp nhận.

Bên cạnh đó, gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, được bắt đầu thực hiện vào năm 2005. Nội hàm của chương trình là khuyến khích người nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật  để tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, chương trình này đã được nông dân ứng dụng khá rộng rãi, lợi nhuận thu được của người trồng lúa ngày càng tăng cao hơn trước. Và, sau kỹ thuật 3 giảm 3 tăng là gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Nôi dung là phải sử dụng giống xác nhận có chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân và thuốc hóa học, giảm tiêu tốn nước tưới và giảm  thất thoát sau thu hoạch để có môi trường trong sạch, lợi nhuận mang lại cao và bền vững.

Riêng Chương trình cánh đồng mẫu lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động vào tháng 3/2011, được tổ chức và thực hiện rộng rãi trên toàn quốc, đặc biệt là vùng có vựa lúa tập trung ở ĐBSCL, đã tạo cho nông dân và các doanh nghiệp một sân chơi mới có sự tham gia gắn kết với các nhà khoa học để có nguồn sản phẩm lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP phục vụ cho xuất khẩu.

Chương trình được đông đảo nông dân hưởng ứng ngay từ vụ hè thu năm 2011, có 13 tỉnh  gồm 6.400 hộ tham gia trên diện tích 7.800ha, tiếp đến là vụ đông xuân 2011-2012 diện tích trồng lúa của chương trình nâng lên đến 15.500ha, chỉ riêng 3 huyện ở Cần Thơ đã có 1.852 ha với 1.200 hộ tham gia.

Các tiêu chí của chương trình cũng bao gồm sử dụng giống xác nhận có chất lược cao, giảm liều lượng gieo sạ, gieo tập trung, sử dụng Phân bón Đầu Trâu là nguồn dinh dưỡng chủ lực với lượng bón tiết kiệm, bón theo phương pháp 4 đúng, giảm tối thiểu lượng thuốc sâu cả liều phun và số lần phun, tưới nước theo phương pháp tháo cạn phơi ruộng xen kẽ, gieo sạ đồng loạt, thu hoạch bằng cơ giới, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch. Nhờ chương trình này mà số lượng gạo xuất khẩu tham gia vào thị trường ngày càng tăng.

Sau chương trình này cộng với chương trình cánh đồng mẫu thực hiện tại tỉnh Tây Ninh từ 2008 và các kết quả thực nghiệm sử dụng rộng rãi Phân bón Đầu Trâu ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nên Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã công nhận Phân bón Đầu Trâu của Công ty Cổ phần phân bón Bình điền được chọn làm loại phân sử dụng cho lúa Viet Gap để xuất khẩu.

Cùng với đó, Chương trình cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP  là chương trình VnSAT có tên Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam với sự hỗ trợ vốn  ODA của Ngân hàng Thế giới kết hợp, với vốn của Nhà nước, vốn của nông dân và doanh nghiệp thực hiện, với 8 tỉnh ở ĐBSCL, 5 tỉnh ở Tây nguyên, (thực hiện từ năm 2015-2020) cũng đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao lần này.

Kết nối với các chương trình nói trên, đến năm 2016 chương trình sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được hình thành, là sáng kiến liên kết giữa Cục Khuyến nông quốc gia, các Trung tâm Khuyến nông tại ĐBSCL với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền mà Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là đơn vị tài trợ các loại: phân bón, giống và một số thiết bị chủ yếu cho chương trình, đồng thời cung cấp các chuyên gia khoa học theo dõi, hướng dẫn các hộ tham gia trong 13 tỉnh ĐBSCL để thực hiện từ vụ hè thu năm 2016 đến hết năm 2020.

 Chương trình này cùng lúc, vừa sử dụng kết quả của các chương trình nói trên, vừa áp dụng các biện pháp xử lý do biến đổi khí hậu phát sinh như xử lý hiện tượng mặn, phèn, tưới nước tiết kiệm, giảm lượng giống trung bình còn 80 kg/ha và tạo các mô hình giảm giống sâu còn 60kg/ha; ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi và quản lý nước và các hiện tượng diễn ra trên đồng ruộng.

Kết quả chung tính cho 1 ha, về vật tư giảm được 400-500kg giống, chủ yếu sử dụng giống có chất lượng cao, giảm chất đạm bình quân 1 bao Urê, giảm số lần sử dụng thuốc sâu bệnh còn 2-3 lần/vụ, giảm công chăm sóc nhờ ứng dụng công nghệ 4.0. Theo đó, năng suất lúa tăng 300-900kg/ha, bình quân 450 kg, giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận mang lại so với đối chứng dao động từ 3 đến 15 triệu đồng/ha (bình quân là 5 triệu đồng).

Tóm lại, thông qua những chương trình nói trên, người nông dân đã được trang bị thêm nhiều kiến thức về  kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến, nên năng suất lúa ngày một tăng cao. Giá lúa gạo ngày càng tăng, cảnh vừa trúng mùa lại trúng giá đã khích lệ người nông dân càng đam mê ruộng vườn hơn so nhiều năm trước. Các công ty vật tư và xuất nhập khẩu lúa gạo trong nước cũng sẵn sàng chung sức tham gia.

Trên phạm vi thị trường quốc tế, chất lượng gạo Việt Nam đã được đánh giá ở vị trí số 1, trong lúc nhu cầu tiêu thụ gạo của nhiều nước ngày càng tăng. Trước bối cảnh như vậy, việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao do Nhà nước đề xướng và tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp lãnh đạo các tỉnh trong khu vực điều hành và giám sát, chắc chắn sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để Đề án này thực hiện thành công tốt đẹp.

GS.TS Mai Văn Quyền