Khởi nghiệp cùng đặc sản tung lò mò

28/12/2021 - 07:10

 - Quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định ở TP. Hồ Chí Minh, cô gái dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm Hứa Thị Rokyah (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) trở về quê hương, mang món tung lò mò (lạp xưởng bò) quảng bá rộng rãi. Mong muốn của cô gái trẻ là giới thiệu với mọi người về nét ẩm thực độc đáo của dân tộc, hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang.

Rokyah ấp ủ nhiều ý tưởng kinh doanh sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình, như một cách quảng bá văn hóa

Rokyah là con gái út của chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh lạp xưởng bò ANAS (cơ sở ANAS - cơ sở làm lạp xưởng bò nổi tiếng ở làng Chăm Châu Phong). Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), Rokyah dành gần 3 năm đi làm để trải nghiệm, học tập cách kinh doanh, tiếp cận thị trường, sau đó quyết định quay về quê phát triển thương hiệu, mở rộng cơ sở chuyên nghiệp hơn.

Biết Rokyah là đồng bào DTTS Chăm, đa số bạn bè đều đoán rằng quê ở tỉnh Ninh Thuận hoặc Bình Thuận, không ai nghĩ tới An Giang. Điều này làm Rokyah trăn trở mãi. Là cô gái được may mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình hiện đại, Rokyah được đi đến các nước phát triển để du lịch, tham quan, học hỏi. Bởi vậy, Rokyah càng muốn giới thiệu với mọi người biết: Ở An Giang có 1 cộng đồng DTTS Chăm giàu bản sắc, nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng cùng nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn. “Ban đầu, tôi quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp, nhiều người không ủng hộ, vì lúc này công việc ở TP. Hồ Chí Minh khá tốt, môi trường làm việc, lương bổng đáng mơ ước với sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, tôi cố gắng thuyết phục, chia sẻ ý tưởng kinh doanh được ấp ủ từ rất lâu của mình, muốn đem sản phẩm truyền thống, ẩm thực đặc trưng của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang để giới thiệu cho mọi người cùng biết đến và thưởng thức” - Rokyah giải thích.

Sau hơn 2 năm quay trở về quê để gắn bó và phát triển đặc sản truyền thống, Rokyah xây dựng nhiều chiến lược kinh doanh riêng, kết hợp với các sản phẩm du lịch ở địa phương. Theo đó, Rokyah kết nối với hướng dẫn viên trong và ngoài tỉnh để thêm chương trình tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất tung lò mò tại cơ sở ANAS vào tour du lịch làng Chăm. Ngoài việc được thưởng thức tung lò mò, du khách còn được giới thiệu về những món ăn truyền thống khác, kèm theo đó là câu chuyện về văn hóa lâu đời của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang.

Kế hoạch kinh doanh của Rokyah diễn ra hết sức thuận lợi, kết nối nhiều đoàn khách du lịch ở các tỉnh, thành phố khác đến làng Chăm để tham quan, trải nghiệm đặc sản địa phương, đặc biệt là tham quan dây chuyền sản xuất tung lò mò của mình. Những đoàn khách tham quan đều được Rokyah tận tình hướng dẫn, giới thiệu về công đoạn chế biến, làm ra món tung lò mò. Qua đó còn thông tin về tạp quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Được một cô gái Chăm giới thiệu câu chuyện về xuất xứ món ăn, tên gọi, xen lẫn những nét văn hóa truyền thống, đối với du khách là điều hết sức thú vị, trải nghiệm mới lạ. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động tâm huyết của cô phải tạm hoãn lại.

Hiện nay, hạn chế duy nhất của sản phẩm tung lò mò là khó vận chuyển trong thời gian lâu, vì phải bảo quản lạnh. Trong những tháng đầu dịch COVID-19, nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, nhưng giãn cách xã hội khiến thời gian vận chuyển lâu. “Bởi vậy, tôi thà từ chối đơn hàng, chứ không để sản phẩm không chất lượng giao đến tay khách hàng” - Rokyah khẳng định. Để khắc phục nhược điểm này, hiện tại Rokyah tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi thêm về thời gian bảo quản sản phẩm, làm sao để không sử dụng chất bảo quản mà vẫn giữ được hương vị, chất lượng sản phẩm. Từ tháng 10-2021, khi trở về trạng thái bình thường mới, đơn vị vận chuyển, xe khách hoạt động ổn định hơn, cơ sở đã tăng số lượng sản xuất để kịp chuẩn bị cho mùa Tết. Bình thường, số lượng sản xuất mỗi tháng khoảng 1,5 tấn, thời điểm cao điểm chuẩn bị Tết tăng hơn gấp 4 lần mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Sản phẩm tung lò mò ANAS được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao vào năm 2019, hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận 4 sao. Bên cạnh đó, Rokyah đang trình làng sản phẩm mới: Khô bò vị cari (chuẩn vị truyền thống của đồng bào DTTS Chăm), nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích