Ý tưởng khởi nghiệp khả quan
Đến với cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III-2019, bạn Lê Thị Hồng Vân, ấp Núi Két, xã Thới Sơn (Tịnh Biên) mang theo ý tưởng làm tinh bột huyền. Đây là loại cây trồng gắn bó với địa phương mà Vân đang sinh sống. Theo Hồng Vân, củ huyền phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất núi nên được bà con địa phương trồng rất nhiều, nguồn nguyên liệu dồi dào. Tinh bột từ củ huyền có khá nhiều công dụng, ngoài làm thức uống bổ dưỡng, trị một số loại bệnh thông thường, còn là nguyên liệu làm các loại bánh: bánh ít, bánh in, bánh canh, bánh đúc... hương vị thơm ngon không thua kém các loại bột khác trên thị trường.
Trà mãng cầu Thanh Nam tham gia Chợ phiên khởi nghiệp tại An Giang
Khách du lịch đến với Bảy Núi thường chọn tinh bột huyền về làm quà cho gia đình, bạn bè nên lâu nay củ huyền được bà con địa phương phát triển thành một nghề kiếm thêm thu nhập. Với cơ sở của gia đình, cùng với nhu cầu từ thực tế, nguyên liệu lại có sẵn tại địa phương, Hồng Vân mong muốn tạo ra nhiều món ăn phong phú từ tinh bột huyền để phục vụ du khách, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương. “Vùng nguyên liệu đã có, máy móc phục vụ sơ chế củ huyền lấy tinh bột cũng được có sẵn, giờ chỉ đợi mùa thu hoạch củ huyền đến, em sẽ triển khai ngay dự án của mình. Như vậy, sẽ làm tăng giá trị của củ huyền, có được nguồn ra ổn định sẽ giúp bà con ở địa phương thêm thu nhập. Ngoài ra, còn giúp bảo tồn củ huyền, một sản phẩm đặc trưng của địa phương”, Hồng Vân mong muốn.
Thanh niên khởi nghiệp cùng cây mãng cầu
Với vườn mãng cầu rộng 1,7 ha, anh Hồ Thanh Nam (xã Định Thành, Thoại Sơn) không chỉ bán trái tươi mà đã mạnh dạn cho ra sản phẩm “Trà mãng cầu Thanh Nam”, góp phần nâng giá trị trái mãng cầu xiêm. Theo anh Nam, từ trước đến nay, mãng cầu xiêm chủ yếu được dùng để ăn tươi, trên thị trường chưa có nhiều các sản phẩm chế biến từ loại trái cây này. Trong một lần tình cờ có khách hàng ở xa đến mua trái mãng cầu còn sống để sắc uống với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh, vì mãng cầu tươi không bảo quản được lâu. Từ nhu cầu thực tế của khách hàng cùng với những lợi ích tuyệt vời từ trái mãng cầu xiêm đã mang lại cho anh Nam ý tưởng nghiên cứu phát triển loại trái cây này thành một sản phẩm tiện lợi, dễ dàng sử dụng, có thể vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu hơn.
Ý tưởng kinh doanh các sản phẩm từ tinh bột huyền của thanh niên Lê Thị Hồng Vân.
Qua quá trình nghiên cứu, anh Nam đã phát triển được sản phẩm trà từ trái mãng cầu mang hương vị đặc trưng, có vị ngọt thanh đậm đà, hấp dẫn, chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người. Sản phẩm này rất hấp dẫn với số lượng lớn người dùng nên ý tưởng khởi nghiệp cũng bắt đầu. “Đầu tiên, phải xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, phát triển thương hiệu Trà mãng cầu Thanh Nam ngày càng đa dạng như: trà mãng cầu xiêm túi lọc, trà mãng cầu xiêm kết hợp với các loại thảo dược khác nhau…và các sản phẩm khác từ trái mãng cầu xiêm: mứt mãng cầu xiêm, mãng cầu xiêm sấy dẻo, nước ép mãng cầu xiêm,… Hiện nay, qua nhiều kênh thông tin, giới thiệu, sản phẩm trà mãng cầu Thanh Nam đã và đang đưa ra thị trường, được nhiều người biết đến, đánh giá tốt về chất lượng và hương vị. Đây là tín hiệu vui cho bản thân vì đã chọn đúng hướng đi”, anh Nam chia sẻ. Có thể nói, những mô hình, dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh đã gắn với chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, qua đó sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
ÁNH NGUYÊN