Không thể phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

20/11/2020 - 04:14

 - Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, cả quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thực tiễn đã chứng minh, đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi, là đường lối, chiến lược của Đảng và nhà nước ta. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng mà 54 dân tộc cùng chung sống trên mãnh đất hình chữ S xinh đẹp này đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, thiên tai, chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Xác định rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là lá chắn mạnh mẽ nhất để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh.

Gần 35 năm đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đảng luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, coi đó là điểm xuất phát để đề ra đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn dân, củng cố niềm tin của dân với Đảng

Gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với tinh thần đoàn kết một lòng, “chống dịch như chống giặc”, đã có những nỗ lực to lớn và đạt được kết quả bước đầu trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Thành quả đó đã bác bỏ một cách đanh thép mọi luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, bôi nhọ đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì lẽ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành trọng điểm để các thế lực thù địch tập trung mũi nhọn chống phá. Để thực hiện mục tiêu đó, với nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các thế lực thù địch, phản động đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, nhà nước ta mà nguy hiểm nhất chính là thực hiện “diễn biến hòa bình” để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Đây được xem là một âm mưu, thủ đoạn rất nguy hiểm. Chúng chống phá bằng việc ra sức xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phủ nhận tính tồn tại khách quan lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch còn lợi dụng khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, những tồn tại do lịch sử để lại và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tư tưởng, tập hợp lực lượng chống đối…

Lịch sử đã để lại bài học quý giá: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Hơn lúc nào hết, khi đất nước, quê hương đang chuyển mình đón nhận những thời cơ cũng như thách thức lớn trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn dân, củng cố niềm tin của dân với Đảng là giải pháp quan trọng nhằm phát huy sức mạnh từ bên trong, đập tan mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị.

Để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại hoặc làm xói mòn, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta”.

Do đó, bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi người cách mạng chân chính. Phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn, là cơ sở bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng nước ta và nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.

M.A