Không thể xuyên tạc công tác chăm lo cho phụ nữ

08/03/2024 - 15:11

 - Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái.

Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với những chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Nam - nữ bình quyền là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930. Từ đó đến nay, bình đẳng giới, coi trọng công tác phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”. Từng bước cụ thể hóa Hiến pháp, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng được hoàn thiện, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc…

Phụ nữ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Trong khi dư luận thế giới đang hoan nghênh Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, thì một số đối tượng lại hằn học với kết quả này, cố tình xuyên tạc về bình đẳng giới của Việt Nam. Với vỏ bọc “bảo vệ nhân quyền” và “phản biện xã hội”, các thế lực thù địch, phản động và một số hãng truyền thông nước ngoài đã tung ra những tin, bài hình ảnh, clip... xuyên tạc công tác chăm lo cho phụ nữ của Việt Nam, trong thực hiện bình đẳng giới, nhằm bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước Việt Nam.

Các thế lực thù địch còn ra sức cổ xúy, lôi kéo, thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, hội, nhóm đối lập do các đối tượng chống đối, cầm đầu, như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội dân oan”… Các phần tử bất mãn chính trị vẫn ra sức dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ tham gia các hoạt động chống phá chính quyền…

Tuy nhiên, những luận điệu xuyên tạc này là vô lý, không có cơ sở về thực tiễn, nên chúng ta cần nhận diện đấu tranh, kiên quyết bác bỏ. Cần tỉnh táo phản bác trước sự kích động của các thế lực thù địch, để giữ vững sự ổn định, phát triển đất nước.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới. Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế và các chương trình nghị sự lớn về thúc đẩy bình đẳng giới. Trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa XV), có 151 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Theo báo cáo Phát triển con người của UNDP, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới, thứ 4 Châu Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Trên phương diện kinh tế, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò và vị thế, góp phần giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế…

Ngày 3/10/2023, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (khóa 78) đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ. Phát biểu tại phiên thảo luận này, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã nêu bật những kết quả Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Đây cũng là cơ sở đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề này.

Tại An Giang, công tác cán bộ nữ được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành chú trọng từ khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bố trí, đề bạt cán bộ nữ (nhất là cán bộ trẻ), cán bộ người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị, nhất là cấp phó trưởng phòng, khá dồi dào và có triển vọng phát triển tốt. Năm 2023, tăng từ 5% - 10% tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 14,58% nữ; đại biểu Quốc hội có 22,22% nữ; HĐND cấp tỉnh có 18,03% nữ; HĐND cấp huyện có 25,20% nữ; HĐND cấp xã có 28,10% nữ... Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp: Cấp sở và tương đương có 17,4% nữ (so năm 2022 là 15,7%, tăng 1,7%); cấp phòng và tương đương có 26,4% nữ (so năm 2022 là 21,6%, tăng 4,8%); cấp huyện có 15% nữ (duy trì tỷ lệ của năm 2022); cấp xã có 22,3% nữ (so năm 2022 là 19,7%, tăng 2,6%).

Cùng với đó, nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên…

H.N