Kiến nghị chủ động điều hành giá xăng dầu, tăng lương cơ sở

25/10/2022 - 07:16

 - Cử tri An Giang nói riêng và cả nước nói chung, trong tâm thế chờ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua nhiều luật, cho ý kiến các dự án luật… quyết định phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Trong đó, cử tri quan tâm đến việc chủ động điều hành giá xăng dầu, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu...

Thời gian gần đây, rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: “Xảy ra bất ổn thị trường xăng dầu kéo theo giá các mặt hàng, dịch vụ tăng, gây khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Bộ chuyên ngành có lường được không, trách nhiệm quản lý, điều hành, sắp tới điều chỉnh, xử lý ra sao?”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình: Giá xăng dầu thế giới tăng biên độ từ 40-60%, nguồn cung này gặp khó do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm đột ngột, từ 100% công suất sản xuất xuống có lúc còn 55%. Để đáp ứng đủ nguồn, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu để bù lượng thiếu hụt và nguồn cung hoàn toàn đủ.

“Tôi khẳng định, chúng ta chưa bao giờ thiếu nguồn xăng dầu. Thiếu cục bộ là có, đứt cục bộ trong một vài ngày, nhưng Bộ Công Thương đã kịp thời điều động nguồn cung (từ những DN đầu mối này sang DN đầu mối khác) gọi là chia sẻ nên không thiếu xăng dầu. Chúng tôi dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội về điều này, kể cả trong tình huống các nhà máy trong nước không bảo đảm” - ông Nguyễn Hồng Diên trả lời.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn 

Về điều hành giá, theo Bộ Công Thương, dù giá xăng dầu thế giới tăng tới 40-60% nhưng quỹ bình ổn đã giúp giá trong nước tăng từ 29-40%. Việc giảm giá xăng dầu thời gian tới phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới vì chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, thông qua quỹ bình ổn, thuế, phí và cao hơn là chính sách an sinh sẽ tham mưu các cấp điều hành giá trong nước tăng ở mức “có thể chấp nhận được”.

Một vấn đề "nóng" khác là việc tăng lương cơ sở. Tại cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 10/2022 ở TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin: Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2023. Trước đề xuất này, nhiều công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ ngày 1/1/2023. Bởi, do tác động của dịch bệnh COVID-19, việc cải cách tiền lương cho công chức, viên chức những năm qua đã phải chậm trễ. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ có nội dung bàn về việc cải cách tiền lương. Đây là tin vui đối với người lao động, vì chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm.

Được biết, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1/7/2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc.

Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là do tiền lương ở khu vực công quá thấp, chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề nghị tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết, năm 2023-2024, cần xem xét ngay việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo ra sự kích thích mới. Bởi qua việc tăng lương - chính sách phù hợp, dễ thực hiện và trực tiếp sẽ tạo ra nguồn vật chất hiệu quả.

Nhiều ý kiến bạn đọc và cử tri thông tin đến Báo An Giang, họ mong muốn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết nâng mức lương cơ sở sớm hơn dự kiến để góp phần cải thiện kinh tế gia đình cho những người sống nhờ lương. Bạn đọc Huỳnh Văn T. (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) bày tỏ: “Chính phủ quyết định việc tăng lương là rất cần thiết và nên áp dụng ngay từ đầu năm 2023. Việc này sẽ kích cầu sản xuất - kinh doanh, người lao động phấn khởi tạo khí thế lao động từ đầu năm. Chờ đến tháng 7/2023 thì trễ quá”.

Bạn đọc Lâm Văn H. (TX. Tân Châu) góp ý: “Nếu tháng 7/2023 tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức 20,8%, trong khi tháng 1/2022 đã tăng lương hưu 7,4%, như vậy người nghỉ hưu tăng lương thấp công chức, viên chức làm việc 13,4%. Đề nghị việc tăng lương sắp tới, nhà nước nên điều chỉnh cho công bằng, chí ít rút khoảng cách tỷ lệ tăng giữa người nghỉ hưu với người còn làm việc”. Bạn đọc Đặng Thanh L. chia sẻ: “Hiện nay, dịch COVID-19 đã được khống chế, nhưng xăng dầu, vật giá leo thang, đời sống công chức, viên chức, người về hưu gặp khó khăn, đề nghị tăng lương sớm từ đầu năm 2023”.

Trước hết, việc cải cách tiền lương phải có sự tính toán kỹ trên cơ sở nguồn lực ngân sách. Việc sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động để rút ngắn khoảng cách tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư, tạo cạnh tranh bình đẳng, thu hút nhân lực, đặc biệt lao động chất lượng cao.

N.R