Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Sẽ quy định rõ khái niệm hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

06/06/2023 - 13:57

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Tráng A Dương phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Vấn đề hưởng bảo hiểm một lần, chậm đóng, trốn đóng hoặc thu sai bảo hiểm xã hội… là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ.

Nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp đã khiến người lao động mất việc làm và nhiều người đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu, trang trải cuộc sống. Tình trạng này không chỉ tạo sức ép lớn đến hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ, có nên đề nghị Trung ương xem xét thành lập quỹ từ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động, tương tự chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch COVID-19.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch COVID-19, nhất là trong thời điểm năm 2022 và đầu năm 2023. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.

Để giải quyết việc giảm và tiến tới không còn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc này đòi hỏi nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt, phải tạo công ăn việc làm để tăng thu nhập; điều chỉnh chính sách phù hợp.

“Còn việc thành lập quỹ, nếu có, đây cũng là một trong những giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động”, Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời cho biết, phương án lập quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Tương tự, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho rằng, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện nay rất phức tạp, điển hình như việc lập khống hồ sơ bảo hiểm xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã xử lý những vi phạm này như thế nào và giải pháp đặt ra; làm rõ nguyên nhân chưa xử lý được việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua và giải pháp xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách… Kết quả, về cơ bản, tình trạng này đã giảm đi.

Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; minh bạch cho người lao động biết tình hình đóng bảo hiểm của mình…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó

Tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh, thời gian qua dư luận rất bức xúc trước tình trạng thu sai bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể; đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này và hướng giải quyết trong thời gian tới.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết năm 2022, tình trạng chậm, trốn đóng cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, so với năm 2021, tăng 2,69% so với mức của năm 2021. Ngoài ra, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng và điều này đã ảnh hưởng đến khoảng 206.000 người lao động.

Thời gian qua, Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho số lượng lao động trên. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai các biện pháp cụ thể, trong đó thực hiện nguyên tắc, người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó; khuyến khích việc tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị mới hoặc bảo lưu khi người lao động thôi tham gia bảo hiểm xã hội.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Theo TTXVN