Kỷ niệm 46 năm giải phóng Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2021): Cánh quân thứ 6 trong mùa xuân đại thắng

28/04/2021 - 05:23

 - Trong khi 5 cánh quân thành 5 mũi giáp công tiến vào giải phóng Sài Gòn Gia Định trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, có một cánh quân ra giải phóng quần đảo Trường Sa năm ấy, đó là cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đoàn đặc công nước 126, CBCS Lữ đoàn 125 Hải quân và bộ đội Quân khu 5. Họ được coi như “cánh quân thứ 6” trong chiến dịch mùa xuân 46 năm về trước.

Bộ đội Hải quân Đoàn 131 lên đường ra Trường Sa xây đảo. Ảnh: Tư liệu

Đoàn C75 là ai ?

Đã 46 năm, vết bụi thời gian có thể làm lu mờ nhiều thứ, nhưng đối với sự kiện “Giải phóng Trường Sa” mà cựu binh Nguyễn Viết Chức cùng đồng đội trên con tàu “há mồm” của Lữ đoàn 125 Hải quân vượt biển ra giải phóng Trường Sa thì chẳng bao giờ quên. “Đó là những ngày hoa  biển đẹp nhất suốt gần 40 năm cuộc đời lính biển. Do điều kiện phải giữ bí mật, nên biên đội tàu quân sự lúc đó phải cải trang thành tàu đánh cá, chứ thực chất là tàu của bộ đội đặc công hải quân” - ông Chức chia sẻ.

Để giải phóng quần đảo Trường Sa, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân lựa chọn lực lượng, thành lập biên đội tinh nhuệ đủ sức chiến đấu hành quân thần tốc ra giải phóng Trường Sa. Nhận được “mật lệnh” từ Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ cho CBCS Đoàn đặc công nước 126. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của hải quân Việt Nam lúc đó. Cùng với lực lượng 126 là bộ đội Lữ đoàn 125 Hải quân. Đây là các chiến sĩ của “đoàn tàu không số” có kinh nghiệm “cảm tử trên biển”.

“Thời cơ giải phóng miền Nam đã chín muồi. Quân ủy Trung ương và đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân phối hợp với Quân khu 5 tổ chức lực lượng khẩn trương cơ động chiến đấu, đánh chiếm các đảo do ngụy quân chiếm giữ, giải phóng quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ bí mật, rất quan trọng. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 thống nhất thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, lấy phiên hiệu là “Đoàn C75”…” - cựu binh Nguyễn Viết Chức thuật lại.

Để không bị lộ, trên đường từ Đà Nẵng ra Trường Sa, biên đội tàu đã linh hoạt sử dụng các biện pháp ngụy trang tránh sự trinh sát của địch. Điện đài trên tàu phát sóng liên lạc theo quy ước và hạn chế tối đa các phiên liên lạc. Ra đến khu vực phao số 0, biên đội tàu gặp máy bay Mỹ lượn trên bầu trời cùng với các tàu chiến của Mỹ theo dõi, rà soát. Các tàu của ta phải chạy ngược lên phía bắc và triển khai phương án “đánh cá bình thường”. Địch không phát hiện được gì, bỏ đi. Biên đội tàu nhanh chóng tăng tốc về hướng đảo Song Tử Tây, theo phương án đã xác định.

Song Tử Tây - đảo đầu tiên giải phóng

Khi đến khu vực đảo Song Tử Tây, ngày 13-4-1975, trung tá Mai Năng (Trung đoàn Đặc công Hải quân) để 2 tàu ở ngoài cảnh giới, điều tàu 673 vào trinh sát đảo. Lực lượng phân công đánh chiếm đảo Song Tử Tây là Đội 1 (thuộc Trung đoàn Đặc công nước 126), do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. “Do CBCS nằm ở hầm tàu, chưa quen với sóng lớn nên tất cả bị say sóng. Trung tá Mai Năng lúc đó nôn thốc nôn tháo nhưng cố gắng bò dậy cầm cây thước chỉ trên bản đồ thông qua phương án chiến đấu cho chỉ huy các phân đội” - cựu binh Nguyễn Viết Chức hồi tưởng.

Ngay sau khi phương án tác chiến thống nhất, CBCS phân đội 1 (thuộc đội 1) đã bí mật rời tàu. Họ như những rái biển ngụp lặn trong sóng nước. Khi vào đến đảo, các chiến sĩ nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, đào công sự, đánh dấu tọa độ, bảo đảm bí mật, phát ám hiệu về tàu. Nhận được “ám hiệu an toàn”, trung tá Mai Năng đã chỉ huy tàu 673 bí mật áp sát mép đảo Song Tử Tây, thả xuồng cao su cho bộ đội “đổ bộ lên đảo”. Đảo Song Tử Tây sáng sớm nước rút trơ những mảnh san hô ngầm. Để bảo đảm bí mật, các chiến sĩ vừa “bò, trườn” trong các khe đá, vừa quan sát địch và tiến sát đảo.

 “Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, trận đánh bắt đầu bằng hỏa lực ĐKZ bắn vào mục tiêu. Sau đó, bộ đội đồng loạt nổ súng, tiến công các mục tiêu còn lại. Trận đánh kéo dài 30 phút, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lá cờ giải phóng được kéo lên đỉnh cột cờ trên đảo Song Tử Tây”- cựu binh Chức kể lại. Sau khi đảo Song Tử Tây được giải phóng, Quân ủy Trung ương chỉ thị: “Tàu 673 và một lực lượng ở lại phòng thủ, giữ đảo. Hai tàu 674, 675 và lực lượng còn lại cơ động, chở thương binh và tù binh về Đà Nẵng”.

Tại Đà Nẵng, lực lượng 2 tàu 674, 675 được bổ sung và giao nhiệm vụ mới, rồi tiếp tục hành quân ra giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa, như: Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, An Bang. 9 giờ ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng.

Song Tử Tây ngày mới

Thật khó miêu tả hết những đổi thay của đảo, chỉ biết, Song Tử Tây 46 năm trước là “doi cát nhỏ” khô cằn sỏi đá, sau 46 năm, Song Tử Tây là một trong 33 điểm đóng quân sầm uất nhất quần đảo Trường Sa. Ngoài hàng trăm cỏ cây hoa lá phủ một màu xanh lên đảo, Song Tử Tây còn là hòn đảo đầu tiên nuôi được bò sữa. Đảo Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Hiện nay, đảo có âu tàu an toàn với sức chứa 80-100 tàu cá của ngư dân công suất lớn neo đậu, một làng chài với các công trình phụ trợ đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho khoảng 300 người vào tránh bão. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt và xăng dầu cho bà con ngư dân bằng giá trong đất liền.  

Năm 2021, Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa, Song Tử Tây là một trong 33 “điểm hẹn” đặc biệt giữa người hậu phương và người tiền tuyến. Thăm CBCS Song Tử Tây, nhiều người xúc động về câu chuyện “tìm kiếm mầm xanh” trôi dạt ngoài biển đem về đảo ươm mầm nhân giống của chiến sĩ. Những mối tình lãng mạn của chàng sĩ quan trẻ và cô gái sư phạm Đại học Nha Trang sau cuộc gặp gỡ không hẹn ước tại hòn đảo làm lay động nhiều trái tim của đoàn công tác. Và cả chuyện “ông tăng gia”, “ông đỡ bò”, “ông ấp trứng” luôn là “đề tài hấp dẫn” khiến nhiều khách từ đất liền khâm phục.

46 năm trước, Song Tử Tây là dải biển khô cằn, sau 46 năm Song Tử Tây là hòn đảo xanh giữa biển của đại dương. Đó là màu xanh của khát vọng hòa bình mà chủ nhân của hòn đảo nhỏ ấy là CBCS Vùng 4 Hải quân - những người lính “đầu đội trời chân đạp san hô” đang ngày đêm canh giữ từng cột mốc chủ quyền giữa ngàn khơi đất mẹ.

MAI THẮNG