Những con ngõ nhỏ của Thủ đô Hà Nội rực rỡ sắc đỏ màu cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hôm nay 2/9, người Việt Nam tự hào kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh. Càng tiến xa trong dòng chảy lịch sử, mỗi người Việt lại càng thấu đáo ý nghĩa thiêng liêng của một nước có chủ quyền hoàn toàn gắn với một thể chế chính trị được lựa chọn khách quan bởi lịch sử.
Và kiêu hãnh với khát vọng “Độc lập” 79 năm trước đã đơm hoa “Tự do-Hạnh phúc,” mỗi người càng nung nấu tâm nguyện hoàn thành khát vọng sâu xa và cháy bỏng của dân tộc. Ấy là xây dựng đất nước hùng cường.
Nhìn về lịch sử 79 năm trước, nhân dân ta bị áp bức dưới sự thống trị của bè lũ thực dân, phong kiến. Các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dấy lên tuy mạnh mẽ nhưng đều thất bại. Đời sống nhân dân bần cùng, hậu quả của nạn đói năm 1945 làm chết hơn hai triệu người, 90% dân mù chữ.
Chỉ tới khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng của cả dân tộc mới được tập hợp rồi gan góc đứng lên, tạo sức mạnh thác đổ.
Sức mạnh ấy rửa sạch tủi nhục hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, cuốn phăng phát xít Nhật ra khỏi đất nước, nhấn chìm chế độ phong kiến.
Sức mạnh ấy đã vực dậy cả dân tộc, mang lại hơi thở và sức sống mới cho biết bao người dân mà mới đây đang còn là phận đời nô lệ.
Đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về một quốc gia mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kể từ mốc son trọng đại đó, đất nước dày thêm truyền thống hào hùng bằng những chiến công hiển hách trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và thành công của sự nghiệp Đổi Mới được Đảng ta khởi xướng năm 1986 đã đưa Việt Nam vươn lên vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Việt Nam vươn lên vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mừng Ngày Quốc khánh, nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị, thành quả của Độc lập, mỗi người Việt Nam lại càng cháy bỏng khát vọng sâu xa là “xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Song nhìn về quá khứ và hướng mắt chung quanh có thể cảm nhận được, hành trình đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” là một công cuộc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn.”
Bởi quy mô kinh tế chưa phải là tất cả. Một quốc gia phát triển cần phải đạt được các tiêu chí về kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm nội địa, mức độ công nghiệp hóa, bình quân tiêu chuẩn sinh hoạt và số lượng cơ sở hạ tầng công nghệ và phi kinh tế như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đánh giá trình độ học vấn, khả năng đọc viết và sức khỏe của dân cư.
Con đường đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” còn là chặng đường của quá trình tự đào thải, tự đấu tranh để khắc phục, để chiến thắng những yếu kém từ nội tại.
Sau 79 năm từ ngày lập quốc và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm tròn theo lời Bác căn dặn. Trong đó có sự quan liêu, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đang làm ảnh hưởng uy tín, làm suy yếu sức mạnh của Đảng.
Hơn thế nữa, các vấn đề trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, những đại án tham nhũng, kinh tế liên quan đến cán bộ cấp cao vẫn đang cảnh báo nguy cơ xói mòn, tâm lý hoài nghi của nhân dân đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi thế, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh cũng với nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội.
Nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức rõ những khó khăn, hạn chế, không phải là tự hạ thấp những thành tựu đất nước đã đạt được sau 79 năm, kể từ ngày 2/9/1945. Dũng cảm thấy rõ điểm yếu, quyết tâm khắc phục những tồn tại cũng là để đất nước vững vàng tiến bước. Đó cũng là cơ sở cực kỳ quan trọng, bồi đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, để dân tin, dân yêu và hết lòng xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hào khí cùng khát vọng dân tộc đã làm nên sức mạnh thác đổ 79 năm trước đang hối thúc toàn dân vươn tới, tiến nhanh bước chân đưa Việt Nam đứng cùng hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045. Dự báo đây sẽ là một hành trình của đầy đủ cay đắng, ngọt bùi.
Nhưng, “với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta” như Đảng ta đã đề ra tại Đại hội XIII./.
Theo TTXVN/Vietnam+