“Sinh viên tình nguyện” hướng dẫn thí sinh ở buổi thi cuối. Ảnh: H.HUYNH
Đề thi phân hóa
Nét chung của kỳ thi năm nay là đề thi có sự thay đổi rõ rệt, theo hướng bám sát thực tiễn nhiều hơn. Mở màn là đề thi môn Ngữ văn của buổi thi đầu tiên với các câu hỏi khá “thoáng”, nhiều TS cho rằng “đề khó hơn năm trước nhưng vừa sức”. Đề thi tạo được hứng thú cho TS vì góc nhìn chân thực, mang tính phản biện, không theo lối mòn, giáo điều. Đặc biệt, nội dung “đánh thức tiềm lực đất nước” là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, mang tính phân loại TS.
Đối với bài thi môn Toán, Tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Ngoại ngữ có sự phân hóa mạnh.Cụ thể, đề thi Toán dài, nhiều câu khó, nhiều TS khó đạt điểm tối đa.Tổ hợp môn Khoa học tự nhiên có nhiều câu thuộc chương trình lớp 11, phần đề thi Sinh học khá dài, đánh đố TS.Riêng đề thi tiếng Anh năm nay tuy dài nhưng không khó, nhiều TS dễ dàng lấy điểm cao.
Ở mỗi buổi thi, tình trạng TS đi trễ, vắng thi còn nhiều (chủ yếu TS tự do), cá biệt có 1 TS (tự do) bị đình chỉ do vi phạm quy chế.
Buổi thi cuối nhẹ nhàng
Ngay từ sáng sớm, TS đã có mặt đông đủ tại các điểm thi để bước vào bài thi cuối cùng của Tổ hợp môn KHXH gồm 3 bài thi: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, theo hình thức trắc nghiệm 50 phút cho mỗi bài thi 40 câu. Đặc biệt, toàn tỉnh có 2 phòng thi đặc biệt (điểm thi của TS tự do tại Trường Phổ thông thực hành sư phạm) chỉ duy nhất 1 TS tự do dự thi để xét tuyển đại học là TS Trần Thị Bích Hằng (phòng thi 675) thi cả 3 bài thi để xét tuyển vào đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh và TS Nguyễn Văn Tiến (mã phòng thi 676) thi duy nhất môn Địa lý. “Năm trước em thi trượt nên năm nay em cố gắng hết sức để thi đỗ vào ngành mình mơ ước.Qua 2 ngày thi, em cơ bản làm tốt các câu hỏi. Sáng nay em cũng hoàn thành bài thi khá tốt”- Bích Hằng nói.
Sau 3 ngày diễn ra, 2 điểm thi tại Trường THPT Tịnh Biên và Trường THPT Chi Lăng (Tịnh Biên) đều thực hiện tốt khâu tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất cho TS. Thầy Trần Thanh Tâm, Trưởng điểm thi Trường THPT Tịnh Biên cho biết: “Tất cả các khâu tổ chức đều diễn ra đúng quy định, không xảy ra sai sót nào. Giám thị và TS thực hiện đúng quy chế thi, không có trường hợp nào bị nhắc nhở. Ngoài ra, lực lượng công an cùng địa phương tích cực hỗ trợ giữ gìn tốt an ninh trật tự tại điểm thi, đảm bảo an toàn cho TS đến điểm thi an toàn, đúng giờ trong những ngày thi”.
Ghi nhận tại các điểm thi trên địa bàn huyện An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, TS phấn khởi với đề thi tổ hợp môn KHXH. Theo nhiều TS, đề bài tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân không đánh đố, học lực trung bình có thể dễ dàng lấy được 5 điểm.Em Ngô Huê Dung (Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) phấn khởi cho biết: “Đề tổ hợp KHXH năm nay không khó.Nếu học bài kỹ và nắm vững kiến thức có thể đạt điểm 7-8. Tuy nhiên để xét đại học vẫn có những câu hỏi phân loại rất rõ ràng. Em rất tin mình sẽ đỗ tốt nghiệp năm nay”.
Toàn tỉnh có 25.088/25.171 lượt TS dự thi Tổ hợp môn KHXH (Lịch sử 8.969, Địa lý 8.479, Giáo dục công dân 7.640), tỷ lệ 99,67%, vắng 83 TS. Không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: sở đã phối hợp Trường Đại học An Giang, Đại học Xây dựng Miền Tây, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh) bố trí cán bộ tham gia công tác coi thi tại An Giang. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự để việc in sao đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi đảm bảo an toàn tuyệt đối; rà soát nơi ăn nghỉ, điều kiện sinh hoạt, đi lại… phục vụ cán bộ làm công tác thi, TS và phụ huynh tham dự kỳ thi một cách tốt nhất; đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, giá cả dịch vụ… trong thời gian diễn ra kỳ thi. Nhìn chung, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Những công việc còn lại cũng được gấp rút thực hiện đúng tiến độ để ngày 11-7 (dự kiến) sẽ công bố kết quả thi. |
PHÒNG VH-XH