Minh họa: HUỲNH DŨNG NHÂN
Năm nào cũng vậy, cứ gần tới tết là mấy đứa con nít xóm tôi lại hát đi hát lại câu đồng dao ấy. Đó là lúc trời đất chuyển mùa. Cái lạnh của mùa đông đang lùi dần, nhường chỗ cho hơi xuân ấm áp. Bầu trời cũng không còn xám xịt hay vần vũ mà quang đãng hẳn ra.
Chim chóc nhảy nhót reo ca, cỏ cây cựa mình nhú những chồi non thuần khiết. Có lẽ ai trong chúng ta cũng mong chờ đến tết, vì đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm. Thế nhưng, khi vạn vật hân hoan trong thời khắc giao mùa, tôi lại thấy má thường xuyên nén những tiếng thở dài.
Nhà tôi đông anh em lắm, cả thảy mười người vừa trai vừa gái. Nhà lại không có cục đất chọi chim, nên ba má tôi làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ lo cho cái ăn cái mặc. Ngày thường thì không sao, chứ đến tết thì trong ngoài phải tươm tất, phải sắm sửa cho con cái tấm áo manh quần, rồi còn cơm nước bánh trái cúng gia tiên nữa. Trăm ngàn thứ đổ lên đôi vai gầy gò của má.
Thường thì trước tết vài tháng, má hay nuôi gà. Má canh sao cho đến lúc tết là gà đủ lớn để đem ra chợ bán. Tiền bán gà sẽ sắm sửa trong nhà, mua quần áo mới cho anh em chúng tôi. Có năm giá gà cao, má còn dành chút đỉnh tiền để lì xì cho chúng tôi trong ngày mùng một tết. Khỏi nói cũng biết tôi vui đến chừng nào, cứ giữ tiền lì xì khư khư, sợ xài rồi sẽ không còn “cái hên” của năm mới.
Nhưng cũng có năm, gà chết vì dịch bệnh nhiều, tiền bán gà chẳng có được bao nhiêu, má phải đi vay mượn bà con ở xóm. Có người cho mượn còn đỡ, nếu không thì cả nhà tôi đành phải ăn tết nghèo. Khổ nỗi, người lớn thì sao cũng được, chứ bọn con nít như tôi khi ấy thì đòi hỏi lắm, thấy gần tết mà má chưa mua đồ mới là khóc, thấy má mua bánh mứt ít là khóc, thấy nhà có cái gì đó thua nhà mấy đứa nhỏ ở xóm là khóc… Mãi sau này tôi mới biết, cái tính trẻ con của anh em tôi đã làm má khổ tâm biết chừng nào.
Tôi nhớ có lần, đã 29 tết rồi mà nhà tôi chưa mua bánh trái gì cả. Chiều đó, ba má và mấy anh em tôi ra ngồi trước hàng ba nhà, nhìn nhau không ai nói gì nhưng có vẻ như ai cũng có những nỗi buồn riêng. Lát sau, ba tôi nói, hay là chặt vài nhánh mai đem ra chợ bán, ít nhất cũng mua được vài món cho ngày tết. Tôi nhìn ra sân, cây mai nhà tôi đang trổ bông vàng rừng rực.
Tôi nói với má, phải rồi đem mai đi bán đi má, xóm mình cũng có mấy nhà đem mai ra chợ bán hồi sáng, người ta mua hết trơn. Má tôi cười hiền, bảo với tôi ai mà đem “mai” (ý má nói là sự may mắn) đi bán, uổng lắm. Bán “mai” rồi là năm mới hết “mai” luôn đó. Tôi sợ hết “mai” thì sẽ tới “rủi” nên nín thinh, không dám đòi nữa nhưng trong bụng thì buồn so.
Rồi má tôi kêu tôi đi theo má ra nhà mợ Hai, má mượn tiền mợ Hai. Ai cũng biết, mượn tiền ngày tết thì người ta kiêng kị, nhưng túng quá đành liều. Tôi nhớ lúc đó mợ Hai nói gì với má một hồi mới cho mượn tiền. Có lẽ những lời ấy cũng không dễ nghe cho mấy, nên mắt má rưng rưng, nhưng má vẫn nhận tiền và ra chợ mua sắm đồ đạc cho chúng tôi. Anh em tôi có đồ mới thì mừng hết lớn, chạy đi khoe đầu trên xóm dưới, nào có biết đâu má phải ngậm đắng nuốt cay chịu lời nặng tiếng nhẹ.
Những ngày giáp tết, tôi thích nhất là buổi sáng được cùng má ra bờ sông giặt mùng mền quần áo hay vo gạo nếp gì đấy. Má nói má thích dẫn tôi theo để tôi nói chuyện cho má nghe.
Thật ra thì tôi chỉ ngồi bên má một chút, sau đó tôi chạy đi chơi với mấy đứa trong xóm, tụi nó cũng theo má tụi nó ra bến sông. Sông quê ngày giáp tết nước trong leo lẻo, lục bình trôi nhởn nhơ như muốn ngắm nhìn những người dân xóm tôi lũ lượt ra chật cả bến sông. Mọi người vừa làm vừa nói cười vui vẻ, họ nói toàn những chuyện may mắn, toàn những ước nguyện tốt đẹp cho một năm mới nhiều khởi sắc.
Tụi con nít chúng tôi thì thi nhau khoe năm nay được sắm áo mới màu gì, dép mới kiểu dáng ra sao. Đến khi mặt trời lên được vài sào, má mới kêu tôi đến giúp má xách vài thứ lỉnh kỉnh về nhà. Những người khác cũng lục đục kéo nhau về trên các ngả đường vào xóm. Tiếng cười nói vẫn còn vang vọng cả khúc sông quê.
Có mấy năm, tôi nhớ má không hề mua đồ mới cho má. Có cái áo túi má mặc hoài. Tôi nói má quê quá, ngày tết ai cũng mua đồ mới còn má mặc đồ cũ hoài, người ta cười chết. Má nói đồ còn mặc được mà, mua thêm chi cho tốn tiền. Má cũng ít khi mặc cái áo đó lâu. Thường thì sáng mùng một má mặc cúng kiếng ở nhà và đến một vài nhà bà con trong xóm, xong về má thay cái áo cũ hơn. Má nói mặc áo mới không quen, với lại phải dọn dẹp nhà cửa, mặc áo cũ cho tiện. Giờ tôi cứ nghĩ mãi, không biết trong cuộc đời, má mặc áo mới được mấy lần?
Mấy ngày tết thì ngày nào tôi cũng thấy vui, vui vì được quần áo mới, vui vì được ăn bánh, được lì xì, được đi chơi suốt ngày mà không bị la. Còn má, tôi không biết má có ngày nào vui không mà trưa mùng một là má lại quanh quẩn với một đống công chuyện, nào dọn dẹp nhà cửa, nào lo cơm nước cho anh em tôi, lo đồ làm mồi cho ba tôi nhậu với mấy chú ở xóm…
Nói chung tất cả mọi việc trong ngoài má đều lo hết, má hông chịu ăn tết như chúng tôi. Nhiều lần tôi nói má bỏ qua mấy công việc lặt vặt đó đi, hoặc là để anh em chúng tôi làm cho, má cứ lo ăn tết đi, má cực cả năm rồi mà tết còn không chịu nghỉ ngơi nữa. Vậy mà má có chịu đâu, má nói má làm quen rồi, không làm má bứt rứt lắm. Chúng tôi mà ở nhà làm tiếp má cũng la, má kêu đi chơi đi, tết mà.
Má nói hồi còn nhỏ má đã đi chơi tết nhiều rồi, giờ hông ham đi nữa. Rồi má kể hồi xưa ngày tết má mặc áo mới, đi với mấy cô mấy dì trong xóm ra lễ chùa, rồi gặp ba tôi nơi ấy. Hai người chẳng nói với nhau câu nào, chỉ lén lén nhìn nhau thôi nhưng trong lòng khấp khởi. Má cũng không ngờ, cái duyên xuân hé nụ từ đó, để rồi ba má có một gia đình với một đàn con là anh em chúng tôi. Câu chuyện này tôi đã nghe má kể nhiều lần rồi, nhưng mỗi lần nghe lại đều thấy thích.
Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh cô gái quê e ấp trước cái nhìn của anh trai làng, rồi “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, rồi kết duyên với nhau. Chỉ tiếc là, những người như má tôi, tuổi xuân và những tháng ngày tươi đẹp ấy thoáng qua nhanh quá. Đến khi về làm dâu, rồi con cái đùm đề, má phải đầu tắt mặt tối quanh năm, những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời chỉ còn trong ký ức.
Tôi là con út, lại được má cưng nhất nhà nên có nhiều kỷ niệm với má lắm, kể hoài chắc cũng không hết. Toàn những thứ lan man thôi, nhưng với tôi, đó là cả một chân trời tuổi thơ tươi đẹp. Giờ mấy anh chị tôi lấy chồng lấy vợ ra riêng hết rồi. Tôi cũng đi làm xa, chỉ những ngày tết mới về nhà. Giao thừa năm rồi, cúng kiếng xong xuôi, tôi ngồi một mình nhìn khói hương chập chờn trước di ảnh của ba má. Bỗng trong tôi hiện ra khung cảnh một đại gia đình đang quây quần bên mâm bánh tết, ba má tôi nở nụ cười hiền từ khi nhìn anh em chúng tôi tranh nhau bóc và ngốn từng miếng bánh ngọt lịm.
Theo TRƯƠNG CHÍ HÙNG (Báo Phú Yên)