Kỳ vọng 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL

18/11/2022 - 06:47

 - Theo nghiên cứu, mỗi ha sản xuất lúa sẽ phát thải 6,95 tấn CO2e (gồm 4,88 tấn CO2e từ quá trình canh tác, 1,85 tấn CO2e từ sử dụng phân bón, 0,22 tấn CO2e từ đốt rơm rạ). Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu lúa an toàn, chất lượng, hướng đến giảm tác động môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.

Xây dựng vùng chuyên canh chất lượng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam và các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp Việt Nam vừa có buổi làm việc với các đối tác, một số tổ chức quốc tế (FAO, WB, IRRI, GIZ, SNV), Sở NN&PTNT các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Long An và những doanh nghiệp (DN) kinh doanh lương thực ở các địa phương này để trao đổi, thảo luận một số vấn đề xoay quanh Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của ĐBSCL, nơi được Chính phủ xác định là vùng an ninh lương thực, vùng lúa trọng điểm của cả nước. Toàn vùng hiện canh tác khoảng 1,7 triệu ha lúa, hàng năm sản xuất khoảng 24 triệu tấn, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, sản xuất lúa tại ĐBSCL tồn tại một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; thu nhập của người trồng lúa còn thấp; sản xuất lúa thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến môi trường và biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là liên kết sản xuất chưa phát triển rộng; chế biến sâu còn nhiều hạn chế; lãng phí phụ phẩm; khâu thiết lập thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu còn yếu...

An Giang có lợi thế trồng lúa chất lượng cao

Theo ông Cường, Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL sẽ tiến hành đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên chính sách đất lúa và chính sách thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến - kinh doanh; ưu đãi tín dụng cho các DN sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, giảm phát thải; hỗ trợ các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng “Cánh đồng lớn”.

Đề án sẽ tập trung xây dựng vùng sản xuất bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha. Dựa trên tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, Bộ NN&PTNT xác định địa bàn bố trí vùng chuyên canh theo địa phương và vùng sinh thái; xây dựng phương án sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đề xuất giải pháp phát triển bền vững.

Cần doanh nghiệp tham gia

Với tổng diện tích canh tác mỗi năm khoảng 630.000ha, sản lượng 4 triệu tấn lúa, An Giang là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa của vùng ĐBSCL và cả nước. Trước những tồn tại, thách thức trong canh tác lúa, An Giang ủng hộ Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, tỉnh sẽ tích cực tham gia đề án. Điều này phù hợp với định hướng của An Giang là chuyển đổi xanh, phát triển mô hình sản xuất lúa gạo carbon thấp, đóng góp vào mục tiêu mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết. Mong muốn của tỉnh là đề án cần cụ thể hóa, chi tiết hơn nữa các mục tiêu, nội dung hoạt động; phân bổ diện tích rõ ràng cho từng tỉnh để mỗi địa phương có thể lượng hóa, hoạch định thành các hoạt động cụ thể, giúp đề án dễ thực hiện và thành công.

Ủng hộ đề án này, TS Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT) cho rằng, cần xây dựng các vùng sản xuất lúa chuyên canh quy mô lớn. Trong đó, nhà nước phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chủ động; thu hút DN vào tham gia liên kết ở bên trong và các cụm chế biến ở bên ngoài, kết nối với trục logistics. Khi xây dựng được vùng chuyên canh lớn, có sự tham gia liên kết, đảm bảo đầu vào, đầu ra của DN, sẽ thuận tiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới tự động hóa…

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), với lợi thế phát triển được nhiều giống lúa tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi Việt Nam đã thiết lập quan hệ với nhiều nước trên thế giới, đây là thời cơ để ngành nông nghiệp tiến ra thế giới, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ gạo. Điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách nhằm thu hút DN tham gia tích cực trong việc triển khai đề án, bởi chính DN là những người giúp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Các ý kiến ủng hộ đề xuất của Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL khi đưa ra định hướng ưu tiên về chính sách hỗ trợ DN. Trong đó, ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập (bên cạnh các ưu đãi khác về mặt bằng, tín dụng) với các DN tham gia các dự án liên kết công - tư, DN đầu tư sản xuất liên kết với nông dân, DN trong các ngành công nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản. Đồng thời, thành lập gói tín dụng để thực hiện cho vay theo chuỗi; ưu đãi tín dụng cho các DN sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, DN đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân đầu tư sản xuất.

Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL tiến tới nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ ngành lúa gạo bằng cách trích một phần nhỏ từ nguồn thu xuất khẩu gạo, nguồn đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Quỹ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa trong các trường hợp rủi ro do thị trường hoặc thiên tai, dịch bệnh.

 

NGÔ CHUẨN