Lại lan truyền bài thuốc “chữa COVID-19” vô căn cứ

16/08/2021 - 00:45

 - Dù đã có nhiều cảnh báo, khuyến cáo từ ngành chức năng và truyền thông, nhưng nhiều bài thuốc chữa COVID-19 từ các “thần y” trên mạng xã hội vẫn lan truyền khiến nhiều người lầm tưởng về cách phòng và chữa trị COVID-19, nhất là sử dụng các nguyên liệu “tại nhà”.

Những cách chữa COVID-19 không có cơ sở khoa học chia sẻ trên mạng xã hội

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ thướng Chính phủ, nhiều người lo lắng khi tiếp nhận thông tin ca bệnh trong và ngoài tỉnh. Giữa lúc này, các bài thuốc chữa COVID-19 lại “tái xuất”, dù trước đó đã có nhiều “bài” bị ngành chức năng cảnh báo chỉ mang tính “câu like”, phản khoa học.

Đơn cử như bài phòng và chữa COVID-19 chỉ với… dầu gió xanh. Các tài khoản mạng xã hội lan truyền: người chưa bị nhiễm bệnh chỉ cần hít 4 lần/ngày, còn ai bị nhiễm thì pha 10 giọt với nước nóng để xông, trường hợp nặng hơn thì uống thêm thuốc Tylenol hoặc thuốc chỉ định của bác sĩ.

“Bài thuốc” này khẳng định trong 10 ngày sẽ khỏi và được áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Những cách chữa tương tự bằng nguyên liệu đơn giản cũng được người dân chia sẻ từ “Việt kiều Đức”, “Việt kiều Pháp”… nhưng nhiều người lại “nhẹ dạ” tin tưởng và lan truyền.

Vụ việc khác không phải chỉ viết công thức đơn thuần mà do một người đàn ông xưng tên Hậu tự quay clip cá nhân ở chùa, thề thốt rằng, lời mình nói hoàn toàn 100% sự thật. Ông Hậu chia sẻ là người từng sống ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Ông không chắc mình bị nhiễm COVID-19, song có các biểu hiện: sốt cao, đau họng, sụt cân rất nhanh, suốt ngày nằm ngủ mê man. Trong lúc ngủ thì nằm mơ thấy cụ già râu tóc dài thúc giục đi mua gừng, dừa tươi và đường phèn về uống, đến nay đã khỏi hẳn các triệu chứng trên và về quê an toàn.

Sau đó, ông Hậu nghe “ông dượng thông tin qua ông anh” rằng, gia đình người dượng đã nhiễm COVID-19, do bệnh viện quá tải nên 2 trường hợp dương tính phải ở nhà. Ông Hậu khoe đã chỉ bài thuốc gừng, dừa tươi và đường phèn như trên để họ uống, đến ngày thứ 7 thì khỏi bệnh hoàn toàn!? Để nhấn mạnh thêm, người đàn ông này còn khuyên mọi người không nên uống công thức “sả + chanh + gừng” như trên mạng chỉ dẫn, mà cách của ông mới thực sự hiệu quả và có thể uống đến 10 trái dừa/ngày!?

Điều đáng nói là clip không có căn cứ khoa học cũng như chưa có cơ quan chuyên môn nào công nhận, nhưng clip của ông Hậu được rất nhiều người chia sẻ, kể cả gửi vào một số nhóm mạng xã hội Zalo nội bộ đơn vị, cơ quan. Nhiều người bày tỏ lo ngại, nếu có thể chữa trị dễ dàng đến vậy thì hàng ngàn người ở lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 đâu cần vất vả ngày đêm như thời gian qua.

Theo lương y Hà Phong Vũ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thì nước dừa tươi và đường phèn không có tác dụng tăng sức đề kháng. Trong đông y, chỉ có bài thuốc trị ho gió gồm 3 vị “gừng, dừa tươi, tiêu” nhưng tùy cơ địa của mỗi người mới kê đơn, chứ không được uống tùy tiện.

“Bệnh COVID-19 hiện chưa có lương y nào trong cả nước tìm ra bài thuốc Đông y để chữa trị. Bà con không nên tin và không nghe theo những thông tin không có cơ sở khoa học và không có chuyên môn, có thể nguy hiểm đến bản thân và cộng đồng” - ông Vũ nói.

Liên quan đến cách chữa bệnh bằng đông y, một số người dân chưa nắm rõ thông tin đã vội vàng tìm các loại thuốc, thực phẩm chức năng để dự trữ vì tin rằng có thể phòng, hỗ trợ chữa trị COVID-19. Thông tin này được hiểu sai từ một công văn của Bộ Y tế liên quan đến danh mục 12 thuốc cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Ngay sau đó, công văn đã được thu hồi, nhưng vẫn có nhiều nơi lợi dụng một phần nội dung của văn bản để quảng cáo bán sản phẩm và nâng giá cao gấp nhiều lần. Các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng liên quan 12 vị thuốc y học cổ truyền được nhắc đến trong công văn trở nên “hot” trên thị trường. Trong đó, xuyên tâm liên được các trang bán thuốc trực tuyến giới thiệu: “Xuyên tâm liên được báo chí đưa tin chữa được COVID-19”, từ giá 200.000 đồng/hộp tăng gấp 2 - 3 lần vẫn có người mua dự trữ.

Trên thực tế, không có bất kỳ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được hay kháng được COVID-19. Các cách làm, “bài thuốc” được chia sẻ cũng là một loại “tin giả”, mượn danh nghĩa giúp người dân trong dịch bệnh. Tuy nhiên, tác hại mang lại rất khó lường, nên người dân cần cảnh giác và tuyệt đối không làm theo.

MỸ HẠNH