Thấy lãi nhảy vào
“Giá thành ương nuôi cá tra giống vào mùa thuận ở mức 21.000 đồng/kg, mùa nghịch 23.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Tuy nhiên, giá cá loại nàyđang ở mức 72.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần nên ai cũng muốn nhảy vào kiếm lời. Giá cá thịt trên thị trường hiện ở mức cao, khoảng 35.000-36.000 đồng/kg, trong khi giá thành ở mức 25.000 đồng/kg. Mỗi kg cá tăng trọng, người nuôi cá thịt lãi 10.000 đồng. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi mức lời quá cao nên nhiều người kinh doanh ở những ngành nghề khác nhảy vào nuôi cá, trong khi đây là ngành nghề đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật, vì vậy mà tính rủi ro rất cao”- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Thời điểm tháng 5 vừa qua, giá cá tra giống loại 30 con/kg ở mức 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn nước lũ lên nhanh, phần lớn các ao, hầm ương nuôi cá giống đều bị ngập, sản lượng đáp ứng cho việc thả nuôi cá thịt trong vụ mới bị thiếu hụt, từ đó đẩy con cá tra giống lên 72.000 đồng/kg. “Nước lũ gây ngập hầm mới chỉ là một yếu tố, còn yếu tố khác là thời tiết năm nay không thuận lợi, tỷ lệ ương nuôi từ cá hương lên cá bột, từ cá bột lên cá giống chết rất nhiều, thị trường thiếu hụt sản lượng, từ đó giá bị “đẩy” lên cao, trong khi đầu ra của cá thịt đang rất tốt”- ông Trần Việt Thái (ngư dân xã Đa Phước, An Phú) thông tin.
Trong sản xuất lúa, nếu vào mùa sản xuất thuận lợi, sau thời gian trồng 3 tháng, bình quân mỗi công đất trồng lúa nông dân lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng. Trong khi nuôi cá tra giống, mỗi công mặt nước, ngư dân thu lãi hàng trăm triệu đồng. “Lợi nhuận khủng” là nguyên nhân khiến nhiều người “nhảy” vào cuộc chơi. Những người nuôi có kinh nghiệm dự báo rằng, nếu đào mới ao hầm hoặc tận dụng hầm nuôi cá thác lác cườm, cá lóc, cá mè vinh sang nuôi cá tra giống thì một ngày không xa, thị trường cá tra giống sẽ gặp phải tình trạng cung vượt cầu như những năm trước đây.
Thiếu thông tin về thị trường
Khảo sát ở các địa phương có phong trào ương nuôi cá tra giống mạnh như: xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), xã Vĩnh Thạnh Trung, Bình Phú (Châu Phú), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên)… đa phần người nuôi cá giống rất “mù mờ” về tình hình thị trường. Nhiều người cho rằng, hiện nay giá cá đang ở mức cao không cần phải lo đến yếu tố thị trường, trong khi diện tích thả nuôi của toàn vùng ĐBSCL ở mức 5.200ha, sản lượng khoảng 1.250.000 tấn. Cá tra thịt lẫn cá tra giống đang có giá, các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đang gia tăng diện tích thả nuôi cá giống để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ở An Giang, ngư dân cũng tăng diện tích thả nuôi trong khi thị trường tiêu thụ cá thịt mở ra không kịp. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến khủng hoảng thừa cá giống lẫn cá thịt trong thời gian tới, mà “điểm rơi” không biết trong giai đoạn nào, ngư dân cần phải lưu ý.
Sản xuất bất kỳ một sản phẩm nào, thị trường vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành, bại của ngành nghề. Thị trường thì “mù mờ”, trong khi hợp đồng bao tiêu sản phẩm chưa được ký kết, điều này dễ dẫn đến rủi ro, hậu quả là sản phẩm sẽ không tiêu thụ được. “Người có kinh nghiệm từ 5-7 năm trong nghề ương nuôi cá tra giống còn thấy việc ương nuôi cá hiện nay rất khó khăn, bởi thời tiết không thuận lợi, thị trường khó dự báo, sản xuất mang tính may rủi rất cao. Vì vậy, khi thấy cá tra giống có giá cao, người không có nghề thì không nên nhảy vào”- ông Nguyễn Văn Bảy (ngư dân chuyên nuôi cá tra giống, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) khuyến cáo.
Nuôi cá tra giống lẫn cá tra thịt trong giai đoạn này, lãi nhiều nhưng rủi ro cao, bởi đa phần ngư dân thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ. Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến ngành nghề này, tỷ lệ cá giống lẫn cá thịt chết rất cao. Hiện nay, con cá tra của Việt Nam đang bị cạnh tranh với con cá tra từ các quốc gia khác như: Banglades, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan… Vì vậy, ngư dân phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định thả nuôi mới từ cá giống lẫn cá thịt.
“Ngành cá tra hiện nay đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức. Trước hết về thị trường, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này ngưng mua lúc nào chẳng ai biết. Cá tra có giá, người không biết nghề cũng nhảy vào nuôi, đặc biệt là khâu nuôi giống, từ đó dễ dẫn đến thua lỗ. Đa phần ngư dân sản xuất tự phát, vì vậy lúc cá có giá thì dễ tiêu thụ, rớt giá chẳng ai mua vì không có hợp đồng tiêu thụ”- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TMDV Thủy sản AFA Nguyễn Văn Nghiệp chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH HIỂN