Làm gì khi bị xây bít lối ra vào?

10/05/2023 - 07:46

 - Theo tường trình của ông Huỳnh Văn Hiệp, bà Lê Kim Hằng (ngụ ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành), lối đi ra vào căn nhà gần 20 năm nay bất ngờ bị bịt kín. Họ yêu cầu xem xét giải quyết trả lại đường ra vào nhà ở, hoặc tạo lối đi khác thuận tiện.

Bà Lê Kim Hằng chỉ lối đi bị bít kín

Bà Lê Kim Hằng cho biết, ngày 14/11/2004, vợ chồng bà được vợ chồng cậu ruột (ông Nguyễn Văn Mên, đã mất; bà Nguyễn Thị Thanh, đang cư trú ở nước ngoài) sang nhượng đất thổ cư ngang 5,3m, dài 13m, cách lộ giao thông chính khoảng 15m, giá 4 chỉ vàng 24K. Ngày 22/8/2005, gia đình bà được UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), diện tích 73,8m2. Có đất hợp pháp, vợ chồng bà cất nhà liền kề phần đất của dì ruột (em ruột ông Men), chừa lối đi khoảng 3m ra vào nhà.

Ngày 22/3/2023, chị em bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, ông Nguyễn Minh Cảnh xây bít lối ra vào nhà bà Kim Hằng, với lý do: Khi sang nhượng đất, cha mẹ họ chừa lối đi cho ông Hiệp, bà Hằng rồi; vị trí hiện nay là nhà đất của Bích Thủy (con ông Hiệp) đang ở. Hơn 1 tháng qua, vợ chồng bà Hằng khó khăn tìm đường vào nhà. Mua đất hợp pháp không tranh chấp, xây nhà ở 18 năm, đột nhiên gặp tình huống này, pháp luật giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ?

Thông qua Báo An Giang, trả lời phản ánh của gia đình bà Lê Kim Hằng, luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Nghị định 91/2019/NĐ-CP (ngày 19/11/2019 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác (hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở, thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác); phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Chế tài nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi xảy ra vi phạm. 

Vợ chồng bà Lê Kim Hằng sang nhượng đất, được cấp GNQSDĐ ngày 22/8/2005. Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 quy định: GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đây là chứng từ pháp lý đảm bảo quyền lợi hợp pháp đối với chủ sở hữu đất, nhà ở và tài sản liền kề gắn liền với đất; được nhà nước bảo hộ tài sản hợp pháp và giao dịch dân sự về đất đai, làm cơ sở xem xét giải quyết về tranh chấp đất đai. Để được cấp GCNQSDĐ, chủ thể đang sử dụng đất phải bảo đảm các điều kiện quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Pháp luật còn bảo đảm về quyền lối đi. Cụ thể, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên tự thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Khi mở lối đi qua bất động sản, có thể phải đền bù hoặc không đền bù, tùy vào điều kiện.

Gia đình bà Lê Kim Hằng yêu cầu giải quyết trả lại đường ra vào nhà ở hay tạo cho lối đi thuận tiện nhất, nhưng phía ông Minh Cảnh, bà Bích không đồng thuận. Trường hợp này, nhà nước khuyến khích 2 bên tự hòa giải, thỏa thuận hoặc hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, phiên hòa giải ngày 27/3/2023 đã không thành. Trường hợp này, đương sự có thể khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Châu Thành yêu cầu giải quyết.

N.R