Theo Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định, có đủ điều kiện xuất ngũ thì được hưởng các quyền lợi, như: được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ. Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó, được trợ cấp tạo việc làm.
Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.
Chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 892 lắng nghe các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn hướng nghiệp
Trước khi nhập ngũ, công dân đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, công dân còn được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
Năm nay, Trung đoàn Bộ binh 892 có 367 quân nhân xuất ngũ. Vài hôm trước khi diễn ra lễ xuất ngũ, Tỉnh đoàn phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tổ chức gặp gỡ, tư vấn, giới thiệu việc làm các quân nhân tại trung đoàn.
Tại đây, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trường Nghiệp vụ Giao thông Vận tải, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Truyền thông Quốc tế (MIF) - Tập đoàn Sao Mai An Giang tiến hành tư vấn, hướng nghiệp một số ngành nghề và tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài; giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của quân nhân về thời gian, chế độ, chính sách đào tạo nghề… Ngoài chính sách chung của nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp đề ra nhiều chính sách ưu đãi, miễn giảm dành riêng cho nhóm đối tượng quân nhân xuất ngũ, thu hút sự quan tâm của đông đảo quân nhân.
“Thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của người lao động. Vì vậy, quân nhân sau khi xuất ngũ sẽ khó tìm việc hơn, hoặc chọn ở nhà phụ giúp gia đình. Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các quân nhân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các quân nhân.
Năm nay, 76 đồng chí đã đăng ký học nghề theo thẻ đào tạo nghề. Một số trường hợp đã có nghề nghiệp trước khi nhập ngũ, nên không phải lo lắng vấn đề tìm việc. Số khác muốn tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm hướng phát triển phù hợp. Nhiều hạ sĩ quan, binh sĩ chú trọng tiết kiệm các khoản phụ cấp trong thời gian tại ngũ, tạo nguồn vốn tương đối để lập nghiệp…
Qua giáo dục, định hướng của đơn vị, cùng với tác động của gia đình, nhìn chung, các đồng chí đã xác định tương lai cho bản thân, có ý thức tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các buổi tư vấn, hướng nghiệp như thế này rất hữu ích, là đầu mối tin cậy để các đồng chí đăng ký học nghề, tìm việc làm” - thiếu tá Nguyễn Thanh Sang, Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Trung đoàn Bộ binh 892 chia sẻ.
Chiến sĩ Lê Hoàng Thái dự định sau khi xuất ngũ sẽ đi học lái xe, tìm công việc phù hợp trong giai đoạn này, để có điều kiện thực hiện ước mơ ca hát. “Tôi thấy việc nhập ngũ không làm gián đoạn tương lai của mình, thậm chí còn là điều kiện tốt để tôi cẩn trọng vạch ra các kế hoạch cho bản thân. Được sinh hoạt, rèn luyện trong môi trường mới, tôi học hỏi rất nhiều điều, từ những người xung quanh”. Chiến sĩ Lê Hữu An vốn có nghề nghiệp ổn định trước khi nhập ngũ, nay bạn quay trở lại với nghề cũ, cộng với khoản tiền tiết kiệm được, sẽ là điều kiện tốt để bắt đầu lập nghiệp lâu dài…
Thiết nghĩ, thay vì lo lắng “làm gì khi xuất ngũ”, ngay từ khi vừa nhập ngũ, mỗi người nên tự xác định điểm mạnh, đam mê cá nhân để sớm định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách, ưu đãi của nhà nước, sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp sẽ giúp việc học nghề, tìm việc làm… của quân nhân xuất ngũ thuận lợi hơn.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH