Diễn biến sức khỏe của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn sơ sinh. Vì vậy, khi nghi ngờ có thai, người mẹ cần đến khám lần đầu tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để được quản lý thai nghén và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, sự phát triển toàn diện cho thai nhi và trẻ sơ sinh, các bà mẹ cần ăn uống đủ các chất: Thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu, lạc, vừng, dầu ăn, rau xanh và hoa quả tươi, bổ sung viên sắt để phòng ngừa thiếu máu, uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không nên sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình mang thai chỉ nên làm việc nhẹ nhàng, không nên làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, không tiếp xúc với những yếu tố độc hại, duy trì chế độ sinh hoạt thoải mái, lành mạnh, tránh căng thẳng, mệt mỏi và ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày, chú trọng đến giấc ngủ trưa.
Trường hợp có một trong những dấu hiệu bất thường, như: Nôn nhiều, sốt cao hoặc co giật, ra máu, ra nước ở cửa mình, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, phù toàn thân, đau bụng nhiều, thai không đạp sau tháng thứ 4, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời tránh nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
Phụ nữ có thai vào những tháng cuối không đi làm xa, tuyệt đối không được đẻ ở nhà hoặc tự đỡ đẻ vì không đảm bảo vệ sinh và có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ cần đến ngay cơ sở y tế để sinh đẻ, điều này giúp sản phụ và thai nhi được chăm sóc sức khỏe đúng cách và kịp thời cấp cứu nếu có khó khăn trong quá trình sinh đẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Để kịp thời phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình mang thai, phụ nữ có thai cần đi khám thai ít nhất 4 lần tại cơ sở y tế, lần 1 vào 3 tháng đầu, lần thứ 2 vào 3 tháng giữa, lần thứ 3 và lần thứ 4 vào 3 tháng cuối, để được thăm khám, siêu âm, tiêm phòng uốn ván và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, như: Xét nghiệm viêm gan B, giang mai và HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ; đồng thời được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động, làm việc, vệ sinh thân thể, các sinh hoạt khác trong đời sống, kể cả quan hệ tình dục khi mang thai.
Làm mẹ an toàn còn bao gồm cả khâu chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh, người mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần được hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh, như: Việc cho bú sữa mẹ sớm ngay trong vòng 30 phút sau sinh; cách phòng, chống nhiễm khuẩn các bệnh, như: Viêm phế quản phổi, nhiễm trùng rốn, viêm mắt sơ sinh...
Phụ nữ ngay sau sinh cần được theo dõi để phát hiện sớm, xử trí kịp thời đối với các tai biến, như: Băng huyết, nhiễm trùng, sản giật... Ngoài ra, họ cần được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng nhằm đảm bảo tốt dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Một điều rất quan trọng là được tư vấn thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe bà mẹ, tránh mang thai ngoài ý muốn và phòng tránh HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
BS Nguyễn Thị Minh Triết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang