Ngày nay, nuôi và dạy con luôn là vấn đề “đau đầu” với những người làm cha mẹ. Không ít người vật vã với việc nuôi dạy con, không chỉ từ thời kỳ “bỉm sữa” mà còn lúng túng vất vả với cả những chặng đường sau này, kể cả khi những đứa con đã lớn và sắp bước vào tuổi trưởng thành. Nhiều bậc cha mẹ, sau rất nhiều nỗ lực vì con cái, cuối cùng phải thừa nhận mình đã “thất bại”.
Khi chúng ta đang đối mặt với những nỗi lo lắng của “nghề” làm cha mẹ, tác giả cuốn sách này đã nói với chúng ta rằng: Hãy thư giãn! Nhiều người trên thế giới biết đến Esther Wojcicki và gọi bà là “bà mẹ nổi tiếng nhất thung lũng Silicon”. Sách của bà luôn được tìm đọc và các buổi nói chuyện của bà luôn đông nghịt người nghe. Ba cô con gái của Esther Wojcicki đều là những người rất thành công trong sự nghiệp: Susan là CEO của Youtube, Janet là nhà nghiên cứu y khoa hàng đầu ở Mỹ và Anne, cũng là CEO và người đồng sáng lập công ty 23andMe.
Nhưng những gì mà bà mẹ của ba cô con gái trải qua trên hành trình giáo dục con cái không hề dễ dàng. Cũng như, công việc của một nhà giáo, phụ trách một lớp học ở trường báo chí với nhiều thế hệ học trò mà sau này trưởng thành đều nhớ về cô giáo của họ với sự yêu quý chứa nhiều câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm. Tác giả kể về những tình huống thú vị mà mỗi người đọc đều có thể tìm ra những tham khảo hết sức bổ ích cho riêng mình.
Sẽ như thế nào đối với một người mẹ, khi cô con gái út giỏi giang tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học tại Đại học Yale, trở về và quyết định trở thành một cô trông trẻ chuyên nghiệp. Thoạt đầu, bà mẹ tưởng mình nghe nhầm, rồi hỏi: “Con muốn trông trẻ à? Sau khi đã học hành vất vả đến thế ở trường đại học? Thế còn Sinh học thì sao?”. Và kể cả sau khi cô con gái từ chối cả cơ hội làm việc ở New York, “kiên định” với nghề trông trẻ khi cô không muốn rời xa hai em bé mà cô đang trông thì người mẹ vẫn kiên trì làm một người hướng đạo tinh tế và khéo léo. Bên cạnh nỗ lực âm thầm dẫn dắt con trở lại con đường đang đi với những triển vọng tốt, bà mẹ vẫn tôn trọng con bằng cách đi “thửa” cho con một cái áo phông mang dòng chữ “Người trông trẻ tuyệt vời nhất”. Và cuối cùng, cô bé Anne đã cho mẹ mình thấy cái giá của sự kiên nhẫn, khi mà sau một thời gian đủ lâu làm nghề trông trẻ, cô đã quyết định rời quê nhà và khởi đầu công việc tại Quỹ Công nghệ sinh học của một nhà đầu tư nổi tiếng.
Bằng cách nào để có thể thư giãn khi nuôi dạy ba cô con gái thành công trong sự nghiệp và đều có cuộc sống hạnh phúc. Thực ra, không có cẩm nang nào hoàn hảo cho việc nuôi dạy con, mỗi người đều phải tự mày mò tìm ra phương pháp của riêng mình, phù hợp với từng đứa trẻ và môi trường xã hội. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu có những chỉ dẫn.
Cũng như vậy, sau hành trình nhiều năm làm mẹ, làm bà, và làm một nhà giáo dục, Esther Wojcicki cũng đã tự mày mò và đúc kết nên một phương pháp nuôi dạy con hữu hiệu. Bà gọi tắt là TRICK- tập hợp của những chữ cái tiếng Anh đầu tiên của các từ Trust (tin tưởng), Respect (tôn trọng), Independence (tự lập), Collaboration (hợp tác) và Kindness (tử tế). Để phân tích sâu hơn về các phương pháp này, tác giả cuốn sách kể về những tình huống, dẫn chứng hết sức cụ thể, những kinh nghiệm thực tế của mình mà qua đó, nhiều ông bố bà mẹ có thể dễ dàng có được những bài học đối với mình. Cuốn sách thực sự mang đến những nhận thức mới mẻ cho nghề làm cha mẹ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều trẻ em thực tế đang phải chịu áp lực từ chính phụ huynh.
“Chúng ta lo lắng con cái không thể thành công trong thế giới cạnh tranh quá mức mà chúng ta đang sống. Chúng ta thất vọng khi con không thể vào một trường học có uy tín, hoặc chưa biết bảng chữ cái trong khi những đứa trẻ khác tầm tuổi đó đã biết hết rồi. Chính cha mẹ là người tạo ra thế giới điên rồ và cạnh tranh quá mức này. Thực ra, việc nuôi dạy con hoàn toàn đơn giản, miễn là chúng ta áp dụng các nguyên tắc để cho trẻ nhỏ được phát triển lành mạnh…”- Esther viết. Những điều đó có vẻ là vấn đề mà những người làm cha mẹ đều đang phải đối mặt. Không ít người cảm thấy hoang mang, lúng túng, bức xúc và thậm chí còn có thể dẫn đến những ứng xử sai lệch trong việc định hướng phát triển cho chính con mình.
Dạy con cũng là một quá trình nhận thức của cha mẹ. Và một trong những nhận thức mà bà Wojcicki đưa lại cho độc giả, những người đang tìm kiếm cho chính mình con đường thông thái trong việc này, hãy nên biết mình phải được trở nên lỗi thời. Trên con đường đồng hành và yêu thương đối với con cái, các vị phụ huynh đồng thời cũng sẽ nhận được những bài học quý giá từ chính con mình.
Bà Esther Wojcicki cho rằng, cần phải có một giải Nobel trong lĩnh vực nuôi dạy con cái. Bởi đây là việc có vai trò quan trọng nhất đối với xã hội. Hầu hết những người làm cha mẹ đều mong ước đứa con của mình giỏi giang thành đạt, có cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Nhưng quan trọng hơn thế, cách mà cha mẹ nuôi nấng và giáo dục con cái không chỉ quyết định hình thành nên một con người trong tương lai, mà còn quyết định cả việc tạo ra một xã hội sau này như thế nào.
Theo MINH ANH (Báo Nhân Dân)