Làm từ thiện nhân lên những điều tốt đẹp

11/06/2024 - 06:28

 - Mỗi ngày, xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều cá nhân, tổ chức… âm thầm làm những công việc thiện nguyện giúp đỡ những cảnh đời chưa may mắn trong cuộc sống. Họ mong muốn nhân lên và lan tỏa những giá trị nhân văn, tấm lòng yêu thương và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái tới cộng đồng.

Sống tử tế và làm từ thiện, mỗi người không chỉ đang đóng góp một phần công sức nhỏ bé giúp xã hội tiến bộ hơn, mà còn tìm thấy được niềm vui và sự an yên trong chính tâm hồn mình. Thời gian qua, mọi người ngày càng quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện. Dù không phải là những nhóm hoạt động chuyên nghiệp nhưng cũng mang lại năng lượng tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Xuất phát từ những tấm lòng thiện nguyện, rất nhiều tổ cất nhà từ thiện cùng nhau sẻ chia, giúp đỡ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng và sửa chữa nhà. Các thành viên không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, mỗi người đảm trách khâu riêng, từ việc đốn cây, chuyên chở, đến cắt, bào, đục, đẽo, dựng khung… Tất cả đều chung tấm lòng, mong ước: Làm sao giúp đỡ, sửa chữa, cất được ngày càng nhiều căn nhà cho bà con nghèo, có một mái nhà lành lặn để che mưa che nắng.

Ngoài ra, phải kể đến các tổ cất cầu, sửa đường từ thiện là những người nông dân chân chất, tay lấm chân bùn nhưng có chung một chí hướng, có tấm lòng thiện nguyện. Thời gian qua, các tổ cất cầu, sửa đường từ thiện ở khắp các địa phương trong tỉnh đã chung tay góp sức, âm thầm cống hiến sức mình làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn bằng những đoạn đường đẹp và những cây cầu bê-tông mới vững chắc.

Hay đơn giản chỉ từ một ổ bánh mì miễn phí nhưng chứa đựng biết bao tấm lòng trao gửi, tiếp thêm động lực cho những lao động nghèo trong cuộc mưu sinh. Vất vả đi bán hàng rong, bán vé số, nhặt phế liệu, chạy “xe ôm”… với thu nhập ít ỏi nên ổ bánh mì đối với người nghèo là món quà ý nghĩa, thấm đẫm tình người.

Bà Nguyễn Thị Hiền (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang hành nghề bán vé số dạo) chia sẻ: “Thu nhập thấp nên tôi phải hết sức tiết kiệm, thường xuyên nhịn ăn sáng nên có hôm đói mệt, bước đi không nổi. Từ khi có những tủ bánh mì miễn phí, không chỉ tôi mà những người cùng bán vé số khác đều được chắc bụng để đi mưu sinh”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những bình nước được đặt gọn gàng, lịch sự bên lề đường, phục vụ miễn phí cho người dân, góp phần làm dịu đi cái nắng gay gắt buổi trưa hè. Làm việc tốt nhưng không muốn nhiều người biết đến, hầu hết chủ nhân của những bình nước miễn phí này đều muốn giấu tên khi được hỏi về nghĩa cử cao đẹp ấy.

Bởi theo họ, dù chỉ là một người buôn bán nhỏ ven đường hay một người nội trợ, thu nhập không cao hơn nhiều người nhưng mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Vừa nhấp ngụm nước mát, bà Lê Thị Khỏe (làm nghề bán vé số dạo) chia sẻ: “Giữa thời tiết nắng nóng, có được ly nước mát để giải khát thì còn gì bằng”.

Mỗi cá nhân, tập thể là một câu chuyện thực tế cảm động về việc làm bình dị mà cao quý, nổi bật về lòng nhân ái, yêu thương con người. Tuy hàng ngày phải dốc sức trong cuộc mưu sinh, nhưng họ vẫn yêu đời, yêu người, sẵn lòng dành số tiền tiết kiệm để giúp đỡ người yếu thế, khó khăn hơn mình. Những việc làm nghĩa tình ấy tiếp thêm nguồn lực, giúp người gặp hoạn nạn vượt qua nghịch cảnh, hướng đến cuộc sống tươi đẹp hơn.

Điển hình, như: Suất cơm, cháo, nước sôi miễn phí từ bếp ăn từ thiện của hội chữ thập đỏ, trung tâm y tế khắp các địa phương. Người giúp tiền, góp công, người ủng hộ thực phẩm, giúp bếp ăn được duy trì, trở thành nơi “cứu cánh” cho nhiều bệnh nhân nghèo.

Những tháng gần đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khiến các hộ dân ở nhiều địa phương rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để chia sẻ và hỗ trợ người dân vùng hạn mặn vượt qua khó khăn, có nước sạch sử dụng, đã có rất đông nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh liên kết với nhau chuyển nước ngọt đến các vùng sâu, giúp bà con giảm bớt khó khăn.

Anh Nguyễn Trung Kiên (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tuy số nước sạch trị giá không lớn nhưng với những người dân vùng hạn mặn thì vô cùng ý nghĩa và thể hiện tấm lòng sẻ chia “Lá lành đùm lá rách” với người dân gặp khó khăn”.

Mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử sâu đậm tình người trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện của mọi người đã đóng góp tích cực vào việc giữ gìn, phát huy lòng nhân ái, đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chị Lê Thị Như Huỳnh (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Làm từ thiện, chẳng tính toán thiệt hơn giữa cho và nhận, bởi có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Chúng ta trao yêu thương, nhận lại hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấy được nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt mừng vui của những con người không may mắn khi nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng”.

Vẫn còn đó rất nhiều tấm lòng nhân ái, đơn vị, doanh nghiệp, những nhóm, hội từ thiện… đang làm, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, người kém may mắn trong xã hội, giúp họ cảm nhận cuộc sống vẫn còn rất nhiều câu chuyện đẹp, đáng sống. Từ đó, khắc phục khó khăn, vươn lên và không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội, giảm nghèo của địa phương, vun đắp thêm tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

TRỌNG TÍN