Lần đầu tiên tại Việt Nam giải quyết dứt điểm cho bệnh nhi động kinh bằng kỹ thuật mới nhất

08/09/2023 - 14:46

N.N.M (6 tuổi) tỉnh giấc sau 6 giờ phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh. Không một cơn động kinh nào trở lại với cô bé, không liệt vận động sau một ngày trải qua ca phẫu thuật đặc biệt, dù trước đó, cô bé phải đối mặt với cả trăm cơn động kinh mỗi ngày.

Kỹ thuật mới nhất phẫu thuật cho bệnh nhi mắc động kinh kháng trị

Mẹ bé M. nhìn cô con gái 6 tuổi trở về trạng thái bình thường trong một niềm xúc động lớn. Theo người mẹ trẻ này, M. bắt đầu có những cơn động kinh từ khi 21 tháng tuổi. Ban đầu gia đình nghĩ con co giật do sốt bình thường, lên bệnh viện tỉnh khi can thiệp hết cơn thì về. 7 tháng sau, tình trạng này lặp lại tương tự nhưng vẫn chưa tìm ra sóng động kinh.

Đến khi 3 tuổi, M. được chẩn đoán chính xác mắc động kinh thể kháng trị. “Ban đầu bé chỉ xuất hiện một cơn trong ngày, nhưng sau đó tăng dần lên 10 cơn, có lần lên đến cả trăm cơn động kinh. Lắm khi đang đêm phải đưa con đi cấp cứu, đi ô-tô trên đường còn sợ con mất bất kỳ lúc nào. Giờ nhìn con khỏe mạnh, không còn cơn động kinh, không có hạnh phúc nào tả xiết”, mẹ bé M. nghẹn ngào nói.

Vừa trở về từ Mỹ sau một tháng học tập kỹ thuật mới nhất phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh, Tiến sĩ Lê Nam Thắng (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) bắt tay ngay vào triển khai ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.N.M (Hưng Yên). N.M.M là trường hợp bệnh nhi mắc động kinh phức tạp được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ.

Tiến sĩ Lê Nam Thắng (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm Thần kinh chia sẻ về ca bệnh.

Để tiến hành phẫu thuật cho bé, các bác sĩ đã phải đặt điện cực trước 36-48 tiếng để theo dõi. Sau đặt điện cực, M. rơi vào tình trạng động kinh liên tục cả trăm cơn, có cơn ngừng thở ngắn, phải chuyển xuống hồi sức và điều trị thuốc ngủ liều cao để khống chế cơn giật, chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật đặc biệt.

Ngày 7/9, các bác sĩ trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, Tiến sĩ Thắng cùng các cộng sự, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ, đã mang lại cuộc đời mới cho bé M sau khi loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé.

“Ca phẫu thuật đầu tiên chúng tôi triển khai đến hôm nay là thành công hoàn toàn. Trước mổ, bé có 50-100 cơn giật/ngày và luôn phải dùng thuốc ngủ. Sau mổ, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bệnh nhi 5 tuổi mắc động kinh kháng trị phức tạp được tiến hành phẫu thuật sáng 8/9.

Sau ca thành công đầu tiên, sáng 8/9, các bác sĩ tiến hành một ca phẫu thuật khó can thiệp cho bệnh nhi 5 tuổi, có biểu hiện động kinh từ lúc 17 tháng. Bé trung bình có 2-3 cơn giật động kinh trong ngày, uống thuốc thần kinh không hiệu quả.

“Chúng tôi xác định bệnh nhi có nhiều ổ xơ hóa củ, không rõ ổ nào là nguyên nhân chính gây ra xơ hóa củ đó, tập trung chủ yếu ở thái dương, trán. Bệnh nhi chủ yếu giật bên phải. Trên điện não đồ cũng không xác định được ổ nào gây ra cơn động kinh đó. Vì thế, chúng tôi đề nghị lựa chọn ca phức tạp này phẫu thuật bằng kỹ thuật mới để nâng cao tay nghề bác sĩ Việt Nam”, bác sĩ Thắng cho hay.

Sau khi đặt điện cực ngày 6/9, các bác sĩ đã hội chẩn, vẽ bản đồ não, đưa ra quyết định trong phẫu thuật. “Đây là một ca phẫu thuật khó vì chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Trên xơ hóa củ có thể cắt chỗ này, sẽ mọc chỗ khác nên sẽ khó đoán”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Chúng tôi đã đặt điện cực cho bệnh nhi hôm trước, hy vọng hôm nay phẫu thuật sẽ tìm chính xác vùng động kinh và cắt vùng động kinh đó. Kỹ thuật này thực hiện ở Mỹ và châu Âu 5 năm nay và lần đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương và chúng tôi hy vọng sẽ đạt kết quả tốt. Các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật, tiếp thu tốt trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân.

Giáo sư Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama (Hoa Kỳ)

Giáo sư Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) đánh giá cao việc nhận chuyển giao kỹ thuật của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chinh phục kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật động kinh

Trong những năm gần đây, phẫu thuật bệnh lý động kinh kháng trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã mang lại kết quả tốt do sự phối hợp của đa chuyên khoa trong đánh giá và lập kế hoạch điều trị trước, trong và sau phẫu thuật.

Mục tiêu chính của các thăm dò trước, trong phẫu thuật động kinh là xác định chính xác vùng sinh động kinh và liên quan của chúng với các vùng chức năng quan trọng của não bộ.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thắng, trong các tổn thương sinh động kinh phức tạp liên quan tới các vùng chức năng hoặc nhiều tổn thương, các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, điện sinh lý thần kinh không xâm nhập đôi khi không cung cấp đủ thông tin cần thiết cho nhóm phẫu thuật động kinh trong lập kế hoạch và quyết định điều trị.

Cùng sự phát triển của phẫu thuật động kinh và các hệ thống điện sinh lý thần kinh, vai trò của các phẫu thuật theo dõi thần kinh xâm nhập: đặt điện cực vỏ não đánh giá trong và sau mổ, điện cực não sâu,... được phát triển để đánh giá toàn diện tổn thương sinh động kinh, đưa ra quyết định chính xác trong cắt bỏ tổn thương sinh động kinh.

Tiến sĩ Lê Nam Thắng cho hay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành thăm dò tổn thương sinh động kinh bằng điện não đồ bề mặt vỏ não trong mổ từ 2017, mang lại kết quả điều trị động kinh khả quan sau phẫu thuật cho trên 30 bệnh nhân.

Với mong muốn tiếp tục cải thiện điều trị bệnh nhân động kinh kháng trị, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi trung ương cùng đoàn chuyên gia phẫu thuật động kinh của Bệnh viện trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) cùng phối hợp thực hiện phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh trong tháng 9.

Theo các chuyên gia đến từ Mỹ, đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ.

Các bác sĩ sẽ tiến hành 2 bước. Bước đầu tiên, các bác sĩ sẽ mở sọ xác định vùng gây động kinh trước bằng MRI, PET, sau đó mở hộp sọ đặt điện cực dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.

Các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam hội chẩn trước ca mổ.

Việc này cũng khiến ê-kíp đối diện với nhiều khó khăn vì bệnh nhi có thể bị nhiễm trùng, phù não. Do đó, để thực hiện đặt điện cực, bác sĩ gây mê, hồi sức, nội khoa cần phải giữ bệnh nhân nửa tỉnh, nửa mê, không đau và không được phù não.

Sau thời gian theo dõi, xác định rõ vùng động kinh, các chuyên gia thảo luận đưa ra quyết định cắt hết vùng động kinh không gây tổn hại chức năng và vận động cho trẻ.

Tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh ở Mỹ và châu Âu, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên, bác sĩ nội khoa quyết định chính xác cắt vùng tổn thương một cách tuyệt đối, hoàn toàn không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện phẫu thuật bằng kỹ thuật mới này.

Trước đây, phẫu thuật thần kinh trước đặt điện cực bề mặt chỉ chẩn đoán được sau phẫu thuật xem phẫu thuật đã hết chưa. Còn phẫu thuật theo phương pháp mới này góp phần vừa chẩn đoán chính xác vùng gây động kinh và giúp ê-kíp phẫu thuật quyết định cắt tổ chức nào ít nhất, đạt hiệu quả cao nhất, không làm ảnh hưởng tới vận động, ngôn ngữ của trẻ sau này và giúp trẻ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.

Tiến sĩ Lê Nam Thắng

Kỹ thuật này đã được triển khai tại Mỹ và châu Âu từ 5 năm trước và hiệu quả rõ rệt. Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân có những dấu hiệu: mắc động kinh kháng thuốc, vùng sinh động kinh không rõ ràng, vùng gây động kinh gần vùng chức năng (ngôn ngữ, vận động).

Mong muốn được phát triển kỹ thuật tại Việt Nam

Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. Tiến sĩ Lê Nam Thắng cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật này tại Mỹ. Cuối tháng 9, sẽ có thêm 3 bác sĩ của bệnh viện tiếp tục đi học tập 3 tháng tại Bệnh viện Alabama, Trường Đại học Alabama, Mỹ.

Bước tiến bộ trong thực hiện phẫu thuật này sẽ giúp nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, cũng chính là cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân động kinh kháng trị và gia đình.

Khi Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật này thành công sẽ nâng tầm kỹ thuật phẫu thuật động kinh nói riêng và phẫu thuật thần kinh nói chung của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Chi phí cho một ca phẫu thuật động kinh rất tốn kém.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng, đây là một kỹ thuật khó, tốn kém và không thể làm đại trà.

“Tại Mỹ, riêng tiền phẫu thuật là 150 nghìn USD chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc, do đó không thể sớm áp dụng đại trà. Mặc dù chúng tôi đã được tặng một số máy móc nhưng vật tư tiêu hao khó có thể mua sắm ngay do liên quan đến đấu thầu hoặc chỉ có một nhà sản xuất. Chi phí phẫu thuật bảo hiểm y tế chưa chi trả. Trong khi đó, một ca tại Việt Nam nếu rẻ cũng phải tốn chừng một tỷ đồng. Do đó, chúng tôi rất muốn Bộ Y tế và bệnh viện có những chính sách dành cho các ca phẫu thuật này trong tương lai để giúp các bệnh nhi không may mắc bệnh động kinh có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường”, bác sĩ Thắng cho hay.

Theo Nhân Dân