Lan tỏa giá trị tốt đẹp của gia đình hạnh phúc

21/11/2023 - 06:04

 - Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp và là nền tảng để xây dựng nên một xã hội, quốc gia hạnh phúc. Những giá trị lan tỏa từ Hội thi văn nghệ gia đình hạnh phúc cấp tỉnh An Giang năm 2023 là một góc nhìn phản ánh những nét đẹp đó.

Thắp lửa yêu thương

Hội thi do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp các địa phương tổ chức. Cụm 2 của hội thi diễn ra tại xã Tân Hòa (huyện Phú Tân), trong số 10 gia đình tranh tài, gia đình của anh Nguyễn Văn Anh và chị Nguyễn Thị Kim Liên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng ban tổ chức, ban giám khảo và khán giả đến xem.

Họ là những “mảnh ghép” diệu kỳ tạo nên một mái ấm, khi anh Văn Anh và chị Kim Liên đóng vai trò làm cha và mẹ của 3 đứa trẻ từ thời lọt lòng đến nay. Mỹ Duyên, Khánh Hưng và Kim Tiền là 3 chị em ruột lần lượt ra đời, chưa kịp lớn thì cha mất sớm, mẹ đi làm xa và có gia đình mới. Mười mấy năm nay, anh Văn Anh cùng chị Kim Liên dựa vào cửa hàng bán quần áo Nụ Cười ở trung tâm thị trấn Phú Mỹ để nuôi 3 cháu.

Hội thi “Văn nghệ gia đình hạnh phúc”

Anh Văn Anh (em họ của bà nội 3 đứa trẻ), được các cháu gọi là “ông Sáu”, còn chị Liên là em ruột của cha 3 đứa trẻ, được gọi bằng “cô”. Từ niềm yêu thích bộ môn đờn ca tài tử, anh Văn Anh thành lập 1 câu lạc bộ sinh hoạt hàng ngày ở sân đối diện cửa hàng bán quần áo.

Mấy năm trước, bé Khánh Hưng bộc lộ năng khiếu và rất thích đàn. Anh dạy cho bé làm quen với đờn sến, không ngờ bé đờn rất giỏi, được một số nơi mời biểu diễn cả trong và ngoài tỉnh. Càng lớn, “cậu bé đầu trọc” càng mê đờn, nhưng “ông Sáu” xác định cả 3 chị em phải ưu tiên cho chuyện học. Năm nay, Mỹ Duyên học lớp 9, Khánh Hưng vào lớp 7 và Kim Tiền học lớp 5, tất cả đều nỗ lực chăm ngoan và duy trì thành tích học tập khá, giỏi.

“Tôi thường nhắn nhủ 3 đứa nhỏ rằng, mình không có gia đình, không có tài sản cho các con, chỉ có thể lo cho các con đi học. Nhiều khi cô Liên giận, dọa cho nghỉ học thì tụi nó buồn lắm, rồi tìm tôi thủ thỉ “nghỉ học là coi như không có tương lai”. Tôi đặt chính mình vào hoàn cảnh của các con để bảo bọc và yêu thương chúng. Thời gian qua, nhiều giai đoạn khó khăn, chúng tôi luôn cố gắng và lấy chính hoàn cảnh thực tế đó đúc kết thành những bài học dạy cho các cháu biết về đạo đức, giá trị cuộc sống. Tôi nhắc nhở 3 đứa trẻ phải cố gắng không ngừng và học tính tự lập. Trong hoàn cảnh thiếu thốn tình thương của cha mẹ, các cháu vẫn tìm thấy hạnh phúc ở khía cạnh khác, may mắn hơn nhiều mảnh đời trong xã hội… thế nên đứa nào cũng nghe lời, chăm ngoan” - anh Văn Anh chia sẻ.

Lan tỏa giá trị tốt đẹp

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng cho biết, hội thi văn nghệ gia đình hạnh phúc lần thứ VII/2023 đã tổ chức thành công ở cả 2 cụm, diễn ra tại TP. Châu Đốc và huyện Phú Tân. Toàn tỉnh có 22 gia đình tham gia (đại diện mỗi huyện, thị xã, thành phố có 2 gia đình) với chủ đề “Gia đình bình an - quốc gia thịnh vượng”. Hội thi tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các gia đình có cơ hội giao lưu văn nghệ, các kiến thức về gia đình, kỹ năng ứng xử các tình huống trong gia đình…

Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình cũng như trau dồi đạo đức, lối sống trong gia đình, cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình…

Ở phần thi năng khiếu, thông qua biểu diễn đàn, hát, vẽ, diễn tiểu phẩm… các gia đình không chỉ truyền tải thông điệp ý nghĩa, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm sống đáng quý trong xây dựng tổ ấm. Đồng thời, phản ánh nhiều góc cạnh thực trạng gia đình hiện đại, khi con cái và cha mẹ, ông bà thiếu sự kết nối cảm thông, dung hòa hệ tư tưởng để có thể hiểu nhau, yêu thương trọn vẹn.

Hoặc một số bậc phụ huynh hiện nay chỉ chú trọng làm việc, giao tiếp ngoài xã hội nhưng trong gia đình lại hà khắc với con cái hoặc bảo bọc quá mức, thiếu sự lắng nghe, tin tưởng, không theo kịp phát triển tâm sinh lý của thế hệ GenZ…

Có những gia đình 3 thế hệ như bà Lý Thị Ngọc Thoại, 4 thế hệ như ông Lê Minh Đức tự hào đứng trên sân khấu giới thiệu về các thành viên, chia sẻ thành công trong việc nuôi dạy con cháu thảo hiền, cách giải quyết những mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn để giữ lửa hạnh phúc bền vững…

“Trước đó, khi phát động hội thi, nhiều gia đình lo lắng với phần thi năng khiếu. Tuy nhiên, mục đích lớn nhất chúng tôi muốn truyền tải từ hội thi là lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình, đồng thời đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng và tiến bộ. Năm 2023, công tác gia đình của tỉnh tiếp tục thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Đồng thời, thực hiện chương trình giáo dục đời sống trong gia đình của UBND tỉnh An Giang gắn với kế hoạch thực hiện tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… Do đó, hội thi này là hoạt động chuyên môn quan trọng của công tác gia đình cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố” - ông Trương Bá Trạng cho biết.

HOÀI ANH